Người may mắn trúng vé số liên tiếp 4 ngày là bà Nguyễn Thị Đảnh (58 tuổi, tên thường gọi Hai Giàu, ở xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang).

Trúng 17 tờ vé số trong 4 ngày liên tiếp, người phụ nữ không mua vé số nữa - Ảnh 1.

Hình minh họa: CAND

May mắn đến với người đàn bà ấy vào năm 2013. Bà Đảnh kể trên báo Vietnamnet, khi đó, lần đầu tiên trong đời bà bỏ tiền mua 2 tờ vé số . Hôm sau, cả 2 tờ đều trúng với mỗi tờ được 100 triệu đồng.

Trừ thuế xong, bà “ôm” 180 triệu đồng về mà ngỡ ngàng vì chưa bao giờ bản thân có số tiền lớn như vậy. Sau đó, bà mua tiếp 5 tờ vé số, đến tối dò thì trúng cả 5, với số tiền 30 triệu đồng/1 tờ.

Liên tiếp hai ngày sau đó, mỗi ngày bà mua và trúng 5 vé, tổng giải thưởng là 30 triệu đồng/ 1 vé. Với 17 tờ vé số trúng giải trong 4 ngày liên tiếp, bà Nguyễn Thị Đảnh nhận được số tiền gần 600 triệu đồng.

“Lúc đó tôi cứ nghĩ mình đang nằm mơ, tỉnh dậy chuyện trúng số sẽ biến mất. Phải định thần lại tôi mới dám tin đó là sự thật”, bà chia sẻ với Vietnamnet.

Theo ghi nhận của tờ Tuổi trẻ & Đời sống, chuyện trúng số bà Đảnh giữ kín, không cho hàng xóm biết. Mỗi lần trúng số bà lại đến một đại lý bán vé khác nhau để đổi. Ngay cả với chồng, bà cũng giấu nhẹm 3 lần trúng số sau vì sợ ông sẽ mừng quá mà khoe khoang.

Thế nhưng, sau 4 ngày trúng số liên tiếp, thay vì tiếp tục thử vận may, bà Đảnh quyết không mua vé số nữa.

“Tôi mua thêm 5 tờ cũng là để ủng hộ thôi chứ đâu nghĩ mình may mắn như vậy. Ngoài ra, tôi cũng nhủ: Nếu trời thương thì chỉ cần cho mình hết khổ. Nghĩ vậy nên sau 4 lần trúng số liên tiếp tôi không mua vé số nữa…”, bà Đảnh nói về lý do mình ngừng mua vé số sau khi trúng 17 tờ.

Có tiền, bà vẫn sống tiết kiệm và nhắc nhở con cháu giữ lối sống ấy. Bà cho cất ba căn nhà để 3 cô con gái lấy chồng xứ người lỡ bị ngược đãi hay ruồng bỏ thì có nơi chốn quay về. Có như vậy bà mới có thể yên lòng khi nhắm mắt xuôi tay.

Bà Nguyễn Thị Đảnh chia sẻ trên tờ Tuổi trẻ & Đời sống, khi thông tin trúng giải lan truyền ra ngoài, nhiều người có ý trách móc bà chỉ bo bo giữ tiền, không chia sẻ với ai. Nhưng hoàn cảnh gia đình bà khi đó cũng túng thiếu cùng cực, con cái phải lấy chồng xứ người, gửi tiền về cất căn nhà thì nợ nần chồng chất.

May mắn có lộc trời, bà nghĩ đến lo cho gia đình trước tiên, còn làm việc thiện thì cũng kín đáo chứ không dám ồn ào.

“Đời mình dốt đã khổ lắm rồi nên cố gắng cho mấy đứa cháu nó học hành đến nơi đến chốn, để sau có thể học nghề, biết tính toán làm ăn”, bà tâm sự với nguồn trên.