Hình ảnh cậu bé Nguyễn Đông Khải học sinh lớp 3D trường Tiểu học Ninh Xá, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh – không có tay bẩm sinh – chăm chút nắm cây bút bằng chân, nắn nót viết từng nét chữ khiến nhiều người xúc động về nghị lực sống vượt qua nghịch cảnh của em.
Vượt qua nghịch cảnh số phận
Những ngày mưa phùn, giá rét đầu năm, bước vào căn nhà nhỏ cũ kỹ, tuềnh toàng, rộng khoảng 30m2 của gia đình cháu Nguyễn Đông Khải (SN 2014), ở thôn Phủ, xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh – bị khuyết tật không có tay từ khi sinh ra, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến dưới ánh sáng của chiếc đèn học là cậu học sinh lớp 3D trường Tiểu học Ninh Xá đang tập trung cao độ vào đôi chân của mình để nắn nót viết từng nét chữ, con số trong lớp học online. Không để ý đến xung quanh ai nói gì, làm gì, hai mắt của Khải chỉ chăm chăm nhìn vào trang vở và miệt mài “đưa chân” viết theo lời cô giáo giảng bài.
Nói về Nguyễn Đông Khải, ông Nguyễn Văn Mỹ (ông nội của cháu) bùi ngùi cho biết, Khải sinh ra trong gia đình có 3 anh em, ngay khi mới chào đời Khải đã bị dị tật bẩm sinh, không có hai tay.
“Trong gia đình không có ai bị dị tật gì cả, cháu Khải là con trai thứ 2 trong gia đình, khi sinh ra được một ngày bác sĩ mới cho gia đình biết là con bị dị tật ở tay. Lúc đó, gia đình chúng tôi buồn lắm nhưng là “máu mủ” của gia đình nên dù cháu sinh ra có thế nào, gia đình cũng quyết tâm chăm sóc và nuôi nấng cháu lớn lên thành người. Thấy cháu trai tuy khiếm khuyết ở tay nhưng khỏe mạnh, gia đình tôi cũng yên lòng”, ông Mỹ nói.
Ông Mỹ cho biết thêm, do tuổi đã ngoài 70, sức yếu không phụ giúp được nhiều cho con cái, chỉ ở nhà chăm nom các cháu, để bố mẹ cháu chuyên tâm làm ăn, kiếm tiền nuôi các con ăn học, thành người. Tuy cuộc sống có khó khăn, vất vả nhưng Khải luôn có tinh thần rất cao trong việc học tập, nhiều năm liền cháu được nhà trường khen thưởng có thành tích khá trong học tập.
“Ngày đầu tập viết, người Khải cong lên theo từng nét chữ, mồ hôi chảy dài trên má. Đặc biệt, những tháng đầu mới tập viết, hai ngón chân kẹp bút của Khải rướm máu nhưng cháu vẫn không chịu dừng bút. Sự kiện trì của Khải cuối cùng cũng không uổng công. Dần dần, Khải luyện cầm bút bằng chân thành thạo, viết chữ đẹp, gọn nét và thẳng hàng hơn. Thấy cháu ham học, tôi đã hỏi các giáo viên tiểu học mua sách về hướng dẫn cho con tập đọc, tập viết bằng chân trên tấm bảng đen ở một góc nhà”- ông Mỹ cho biết thêm.
Chiến thắng chính mình
Cậu bé Nguyễn Đông Khải là con trai thứ 2 trong 3 người con của gia đình anh Nguyễn Văn Thịnh. Theo anh Thịnh, từ khi 2 tuổi, Khải đã nói sõi, cháu biết dùng chân chơi trò chơi, tự xúc ăn cơm… Khi đi mẫu giáo, anh Thịnh mong con có môi trường để hòa nhập, Khải có thể thoải mái chơi đùa cùng bạn bè, được tập tô, tập vẽ, tập viết cùng các bạn. Niềm mong mỏi của người cha đã trở thành hiện thực với sự nhiệt tình trợ giúp của thầy cô, Khải đã có thể làm được nhiều thứ bằng đôi chân của mình.
“Đã từng có nhiều lần Khải hỏi rằng, bố ơi, sao con không có tay như các bạn, bao giờ tay con sẽ mọc lại hả bố? Câu hỏi thơ ngây của con khiến tôi không kìm được nước mắt. Dù rất khó khăn nhưng tôi vẫn chọn cách nói thật, giải thích cặn kẽ cho Khải hiểu rằng, con là người khuyết tật, tay con sẽ không bao giờ mọc nữa… Chính vì nhận thức được sự thiếu hụt trên cơ thể, vì vậy mà Khải tập cho đôi chân của mình có thể làm mọi việc của đôi bàn tay”- anh Thịnh cho biết.
Những nét chữ được em Khải viết nắn, tỉ mỉ và cẩn thận.Nói về khoảng thời gian xin cho Khải đi học, anh Thịnh cho biết đó là khoảng thời gian rất khó khăn vì không trường học nào phù hợp để cho cháu đi học và giáo viên nói không đủ năng lực để dạy những bé khuyết tật như Khải. Không nản chí, gia đình vẫn kiên trì khuyến khích cháu học ở nhà.
“Do cháu không có cả 2 tay nên việc dạy cháu viết chữ vô cùng khó. Tập đọc thì cháu học nhanh nhưng cứ mỗi khi tập viết thì gặp khó khăn. Tuy nhiên, không phụ tấm lòng yêu thương của toàn gia đình, Khải đã được trường Tiểu học Ninh Xá (Thuận Thành, Bắc Ninh) nhận vào học vì nghị lực vượt lên khó khăn của cháu”, anh Thịnh kể lại.
Nói về những dự định tương lai cho con, anh Thịnh cho biết: “Trước mắt gia đình tôi chỉ mong lo được cho con đi học cho bằng bạn bằng bè, để cháu có thể biết chữ, biết tính toán là tôi vui lắm rồi. Thấy cháu bị như vậy 2 vợ chồng chúng tôi cũng chịu khó bảo ban nhau làm ăn, tích góp mỗi tháng dành để cho cháu Khải vài triệu đồng vào tài khoản tiết kiệm, vì cháu sinh ra đã thiệt thòi hơn 2 anh em rồi. Mong sao khi cháu lớn cháu có chút vốn bố mẹ để lại mà dành dụm làm ăn, sinh sống có ích cho xã hội”.
Dù bị cụt cả hai tay đang chăm chút nắm cây bút bằng chân, nắn nót viết từng “con chữ” khiến ai cũng phải nể phục vì nghị lực sống phi thường.Trao đổi với phóng viên VOV.VN, cô Nguyễn Thị Huệ – Giáo viên Chủ nhiệm lớp 3D trường Tiểu học Ninh xá, huyện Thuận Thành cho biết, trên lớp, Khải luôn lễ phép với thầy cô, hòa đồng với bạn bè, không vì hoàn cảnh khó khăn hay bản thân tật nguyền mà mặc cảm, tự ti. Đặc biệt, trong việc học tập em luôn nỗ lực rất nhiều để đạt được thành tích tốt.
“Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cộng thêm hoàn cảnh khó khăn khi trường triển khai việc học tập online tại nhà. Ban Giám hiệu nhà trường đã chủ động quan tâm hỗ trợ em Khải về phương tiện học tập như máy tính bảng để giúp em học tập tốt hơn, bắt kịp được các bạn cùng trang lứa”- cô Huệ chia sẻ