Giỏi nhất lớp, nhưng Trương Bảo Sơn, cậu học trò mồ côi ở H.Văn Chấn, Yên Bái, vẫn không dám ước mơ vào đại học.

Đau thương chồng chất

Trương Bảo Sơn là học sinh lớp 12A2, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên H.Văn Yên, Yên Bái. Sơn có hoàn cảnh quá éo le. “Em nghe mẹ kể bố là người miền Nam, mẹ em ở H.Văn Chấn, Yên Bái. Hai người gặp nhau khi cùng đi làm ở Thanh Hóa, nhưng sau đó bố mất vì tai nạn giao thông khi em còn trong bụng mẹ”, Sơn xúc động kể.

Có lẽ vì bố mất khi Sơn chưa ra đời nên nhà nội đã không đón nhận em. Sơn được ông bà ngoại cưu mang. Mẹ đi làm thuê xa nhà, Sơn phải tự lập từ nhỏ. Khi có chút vốn, mẹ về quê mở quán làm tóc thì bất hạnh lại giáng xuống đầu Sơn, cả ông ngoại và mẹ em đột ngột ra đi.

Nghị lực mùa thi:Nam sinh mồ côi học giỏi nhất lớp không dám mơ vào đại học - Ảnh 1.

Căn nhà cũ của Sơn ở quê

“Ông ngoại mất chưa được 49 ngày, em vừa trải qua cú sốc mất ông thì mẹ cũng ra đi vì đột quỵ”, Sơn kể và nhớ lại buổi trưa, đang ăn cơm thì Sơn thấy mẹ gục xuống và bất tỉnh. Mẹ Sơn được cấp cứu 1 ngày 1 đêm trong trạng thái vô thức, sau đó thì mất.

Khi mẹ mất, Sơn bất lực và hoang mang tột độ. Em không biết chuyện gì đang xảy ra. Thời điểm đó em đã thi đỗ vào lớp 10 và chỉ còn bà ngoại già yếu cùng cậu mợ nhưng hoàn cảnh cũng khó khăn. Bà và cậu mợ vẫn động viên em tiếp tục theo học nhưng nghĩ cảnh không ai nuôi được mình và tương lai không biết đi về đâu, nên chỉ học được 1 học kỳ lớp 10 thì Sơn quyết định nghỉ học.

“Em không muốn làm gánh nặng cho bà và cậu mợ nên nghỉ học định đi làm kiếm tiền. Tuy nhiên, em cũng không kiếm được việc làm, nên chỉ quanh quẩn ở nhà giúp bà làm nông, trồng rau, nuôi lợn, kiếm củi để có tiền ăn rau cháo qua ngày. Có một thời gian bà ốm, không có tiền mua thuốc, em đi phơi ván gỗ thuê để lấy tiền mua thuốc cho bà. Đợt đấy bà ho quá, mua thuốc hết mấy triệu, nên em thiếu thốn lắm, chỉ ăn cơm với muối thôi”, Sơn buồn rầu kể.

Nghị lực mùa thi:Nam sinh mồ côi học giỏi nhất lớp không dám mơ vào đại học - Ảnh 2.

Trương Bảo Sơn – cậu học trò mồ côi

Nhật Nam

Lấy tiền đâu để lo cho cuộc sống ?

Thấy hoàn cảnh của Sơn quá éo le, một người họ hàng của mẹ em bà Phạm Thị Hiên (giáo viên tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên H.Văn Yên, Yên Bái), đã vận động Sơn đi học trở lại và đón em đến ở nhà mình tại H.Văn Yên để Sơn được đi học tại nơi mình công tác. Bà Hiên cho biết mình cũng lớn lên từ thân phận mồ côi nên thương cảm và mong muốn nuôi Sơn ăn học hết lớp 12.

Mặc dù hoàn cảnh éo le, nhưng từ khi quay trở lại trường học, Sơn luôn nỗ lực học và năm nào cũng là học sinh giỏi nhất lớp với kết quả tổng kết trên 8,2. Thầy Dương Huy Thành, giáo viên chủ nhiệm của em, chia sẻ Sơn là một người rất nghị lực. “Sáng em đi học văn hóa, chiều em học nghề tại trường, tối về lại đi phục vụ ở quán ăn”, thầy Thành cho biết.

Thầy Thành cũng chia sẻ vào các dịp hè, Sơn còn đi làm thuê ở nhiều nơi để có thêm ít tiền trang trải cuộc sống. “Sơn là học sinh giỏi nhất lớp, kết quả học tập có thể đỗ được vào những trường đại học lớn, nhưng cơ hội đi học rất bấp bênh vì không có ai có thể chu cấp cho em được”, thầy Thành chia sẻ.

Nói về hoàn cảnh của mình, Sơn cũng cho biết em không biết nương tựa vào ai vì bà và cậu mợ đều khó khăn. Gia tài của Sơn chỉ là một căn nhà cũ nát ở quê. Trong nhà không có vật dụng gì đáng giá, nên em không dám ước mơ vào đại học. “Em đã phải bỏ học một lần và thấy rằng không tiếp tục đi học thì rất khó thay đổi tương lai. Dì em (bà Hiên) chỉ có thể nuôi em ăn học hết THPT, còn khi đi học xa thì em không biết lấy tiền đâu để lo cho cuộc sống”, Sơn hoang mang nói.

Dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng Sơn đã phải chịu quá nhiều thiệt thòi so với các bạn cùng trang lứa. Em đã nỗ lực học hành nhưng với hoàn cảnh quá éo le, em phải đối mặt với muôn vàn khó khăn ở phía trước.