“Tối đó mừng quá tui hổng tài nào ăn uống ngủ nghê gì được. Tới nỗi con gái ra mua hộp cơm sườn, tui ăn mấy muỗng rồi thức tới 2h đi nấu bánh canh bán luôn”, bà Lê Thị Tuyết (63 tuổi) vui vẻ kể về cái đêm biết mình trúng số.
Bà Tuyết bên cô bé bị bỏ rơi mà bà thương yêu như cháu ruột.
Mà thiệt lạ à nghen, ông trời ổng vui sao cho bà trúng đặng một lần cả hai tờ độc đắc và một tờ an ủi. Số tiền giúp gia đình thoát cảnh túng bấn.
May mắn được ẵm chút lộc trời trao tay thì kể cho vui, tui hổng thèm giấu giếm gì như mấy người trúng số mà đeo mặt nạ đâu.
Mẹ trúng số, con được học tiếp đại học
Trong phòng trọ ở xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TP.HCM, bà Tuyết đang nấu nồi hủ tiếu ăn chiều. Dáng vẻ nhanh nhẹn, bà vui vẻ kể thời điểm mình trúng số cách đây tám năm. “May mắn được ẵm chút lộc trời trao tay thì kể cho vui, tui hổng thèm giấu giếm gì như mấy người trúng số mà đeo mặt nạ đâu”, bà cười nói.
Ngày đó, bà kiếm sống bằng mấy nồi bánh canh, bún riêu bán ngoài chợ Tân Châu (thị xã Tân Châu, An Giang). Bà nói: “Mấy người bán vé số hay vô ăn rồi đưa vài tờ trừ tiền. Ngày nào tui cũng cầm khi thì vài tờ, nhiều thì hai ba chục tờ. Bán đi cũng tiếc vì biết đâu vé đó trúng nên tui ôm luôn”.
“Ôm” riết rồi cũng có ngày “trời độ”. Bà Tuyết nhớ rõ hôm đó là giữa tháng 2-2014. Như mọi bận, người ta ăn xong “thối” lại cho bà mấy tờ vé. Chiều mát, bà nằm võng bắt ti vi nghe dò số. Khi đài Vĩnh Long đọc số trúng độc đắc 556941, tim bà muốn rớt ra ngoài khi dò kỹ thấy mình có tới hai tờ trúng (lúc đó là 1,5 tỉ đồng/tờ) và một tờ an ủi (100 triệu đồng). Bà cất vé trong túi, cài tới cài lui mấy cái kim băng kỹ càng, dự là hôm sau bán xong sẽ đi đổi. Vừa lúc con gái út đi học trên thành phố về chơi, nghe bà kể trúng số còn hổng thèm tin, nói “mẹ mơ giữa ban ngày”.
Nhắc lại chuyện vui, bà kể: “Khuya đó nôn nao quá nên tui chỉ nấu một nồi bún riêu, bán tới 9h sáng là hết. Xong xuôi tui với con gái đi bộ qua tiệm vàng đổi vé số”. Bà đem một phần gửi ngân hàng, một phần sửa lại căn nhà cấp bốn. Rồi bà mua cho vợ chồng mình và hai người con mỗi người một chiếc xe máy. Số tiền còn lại bà làm vốn buôn bán, sắm sửa vật dụng trong nhà.
Trước lúc trúng số, cảnh nhà bà Tuyết thiếu thốn đủ bề. Con gái út của bà đang học đại học trên TP.HCM, không đào đâu ra mười mấy triệu đồng đóng học phí học kỳ II. Thấy con có nguy cơ phải nghỉ học, bà rầu thúi ruột. Bà nói: “Con gái tui 12 năm học đều có giấy khen, nay lên đại học mà bắt nó nghỉ thì tội nghiệp. Chắc trời thương nên cho tui trúng số, yên tâm lo cho con học…”.
Bà cũng không quên tìm cặp vợ chồng trẻ hôm trước đưa vé số cho bà đổi tô bánh canh để “chia lộc” và dành thêm một khoản làm việc thiện. “Bữa đó tui xóa nợ cho những người khổ khổ mà thiếu tiền bún của mình, rồi tặng tùy hoàn cảnh mỗi người 300.000 đồng, 500.000 đồng”, bà kể.
Vẫn hổng bỏ nồi bánh canh thuở cơ hàn
Sinh ra trong gia đình năm người con, hồi mười mấy tuổi, bà Tuyết đã lặn lội lấy vải vóc, dép lào, bán lại kiếm tiền. Lấy chồng, bà theo chồng đi làm ăn xa. Đầu những năm 1990, việc buôn bán thua lỗ nên hai vợ chồng trắng tay. “Lúc đó tôi còn đúng y một chỉ vàng, về lại Tân Châu làm vốn bán bánh canh. Chồng tui có nghề hớt tóc, sống qua ngày, ráng nuôi hai đứa con ăn học”, bà kể.
Sau lần trúng số, bà vẫn tiếp tục cái nghề đã nuôi sống gia đình mình bao năm. Rồi bà nghe con gái lớn rủ lên TP.HCM đứng bếp cho quán ăn của con nên định bụng chỉ đi một thời gian. Bà thuê phòng ở với con gái út, ngày ngày ra quán tới chiều tối.
Tuổi cũng dần xế chiều, bà Tuyết nghỉ nấu ngoài quán, rồi tiếp tục nồi bán bánh canh như xưa trước dãy trọ. Bà nói: “Hồi đợt dịch tui không bán buôn gì được, lại thêm dãy trọ bị phong tỏa mấy tháng trời. May mà còn tiền dành dụm lấy ra xài…”.
Cuộc sống trên thành phố dĩ nhiên không thoải mái bằng ở chính ngôi nhà mình dưới quê, nhưng bà nói người trong khu trọ cũng đùm bọc nhau. Mùa dịch, ai dư chút gạo, chút rau cũng nhường cho người khác đôi chút. “Ở đâu tui cũng hòa đồng, xa người thân thì mình coi chòm xóm là ruột thịt”, bà bộc bạch.
Bà Tuyết khoe vé số trúng giải 100.000 đồng – Ảnh: Y.TRINH
Nuôi cháu người dưng
Hơn một năm nay, bộ trời hổng còn thương hay sao nên bán đồ ăn sáng ế ẩm, bà Tuyết chuyển qua nhận giữ trẻ. Mỗi ngày từ sáng sớm bà bận rộn với năm đứa trẻ cho đến tối mịt. “Cũng may trời cho tui sức khỏe tốt, xưa giờ không ốm đau bịnh tật gì. Còn mần được thì mần, ở không cũng chán”, bà cho biết.
Người ngoài ít ai biết được bà đang nuôi một đứa bé chẳng phải ruột rà máu mủ. Đó là Bối Bối, em đã biết đi và nói bập bẹ. “Năm ngoái mẹ nó đem tới gởi, một tuần trả tiền công cho tui một lần. Qua tuần thứ tư mẹ nó đem bỏ “trái bom” cho tui rồi đi biệt”, bà nói. “Trái bom” theo cách gọi đùa của bà nay đã được hơn 14 tháng tuổi, dễ cưng dữ thần.
Những ngày đó, bà Tuyết nói con gái tìm cách liên lạc, nhắn tin vờ nói rằng sẽ đem Bối Bối gửi cho trại trẻ mồ côi. Phía người mẹ không một lời hồi đáp. “Nói là nói vậy để mong người mẹ suy nghĩ lại không bỏ rơi con, chứ tui không nỡ đưa bé đi đâu. Ngóng đợi không thấy tin tức gì, tui quyết định nuôi Bối Bối”, bà kể.
Nhìn Bối Bối ngồi ngoan trong lòng mình, ngọng líu gọi “ngoại”, gọi “Bảy” (tên thường gọi của bà Tuyết), người phụ nữ luống tuổi xúc động ôm đứa cháu trên trời rớt xuống. “Ạ cô đi con, ngoan bà thương…”, bà âu yếm nói. Bối Bối liền khoanh tay “Ạ”, gương mặt thơ ngây hết nhìn bà ngoại rồi nhìn xung quanh.
Khi biết chuyện, cả nhà bà đều ủng hộ vì không ai nỡ đem trao đứa bé cho người khác. Chồng bà từ quê lên thăm cũng đem theo khi thì thùng sữa, khi chút quà. Nhưng người ngoài thấy bà lớn tuổi mà còn “bao đồng” thì khuyên suy nghĩ cho kỹ. “Tui biết họ sợ tui cực, còn tui nuôi lâu nên mến tay mến chân, thấy thương. Đêm ngủ giật mình dậy không thấy là tui hoảng hồn, thì ra nó lăn ra ngoài nệm, thương quá trời đất …”, bà nói.
Mấy tháng trước, bà về quê chơi, ẵm Bối Bối theo. Chòm xóm thắc mắc khi thấy bà bỗng dưng có cháu bồng, xì xầm có phải con gái bà chưa chồng mà có con, nhưng bà hổng thấy phiền lòng. Trời trao cháu bé cho mình thì bà cưng, bà nuôi, như ngày xưa ông trời tự nhiên hứng hứng liệng hai tờ vé số trúng ngon ơ vô tay bà…
Người xóm trọ nói bà Tuyết có duyên trúng số. “Tui có mấy mối bán quen, ngày nào cũng tới phòng đưa số. Có hôm đóng cửa họ tưởng tui ngủ trưa nên gõ cửa đưa. Bữa nào số thấy ưng thì tui mua cỡ chục tờ, không ưng thì mua ít, hay trúng giải 100.000 đồng”, bà kể. Cũng có vài lần bà trúng giải khá khá hơn.
Chị Nguyễn Thị Thanh Bình (26 tuổi, chung dãy trọ) cho biết bà Tuyết được nhiều người quý. “Lúc cô Bảy còn bán đồ ăn, tôi kẹt tiền cổ nói cứ ăn đi khi nào có tiền thì đưa cô. Cô cũng hay hỏi thăm, quan tâm người khác”, chị Bình vui vẻ kể.
News
Lịch thi tốt nghiệp THPT 2024 CHÍNH THỨC
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2024 được tổ chức vào các ngày 26, 27, 28, 29/6/2024. Trong đó: – Ngày 26/6/2024: làm thủ tục…
Toàn bộ bảng lương chi tiết nhất của giáo viên từ 1/7/2024: Mức lương cao nhất của thầy cô cụ thể là bao nhiêu?
Toàn bộ bảng lương mới từ 01/7/2024 của giáo viên sẽ thay đổi. Vậy mức lương thấp nhất, cao nhất ra sao? Tham khảo ngay toàn bộ…
Nam sinh chuyên Văn nhưng chọn Sư phạm Toán: Từng nghĩ sẽ bỏ cuộc rồi thành Á khoa, đưa lời khuyên “vàng” về chọn ngành
Xuất phát điểm là học sinh chuyên Văn của Trường THPT Chu Văn An nhưng lại tốt nghiệp Á khoa ngành Sư phạm Toán (dạy bằng Tiếng Anh),…
Từ 1/7/2024: Hệ số lương giáo viên sẽ được tăng từ 1,8 đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng?
Dư luận đang lan truyền thông tin hệ số lương giáo viên sẽ được tăng từ 1,8 đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7/2024 khiến các…
2 bảng lương mới của giáo viên từ 1/7/2024: Các khoản phụ cấp chiếm 30%
Khi cải cách tiền lương thì 02 bảng lương mới của giáo viên là viên chức sẽ thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương so…
Lương giáo viên từ 1/7/2024 sau cải cách: Thêm 2 khoản phụ cấp mới, lương cụ thể là bao nhiêu?
Hai khoản phụ cấp mới trong lương giáo viên từ 1/7/2024 sau cải cách không chỉ giúp tạo ra một hệ thống phụ cấp linh hoạt và…
End of content
No more pages to load