Điền kinh Việt Nam giành tổng cộng 12 HCV tại SEA Games 32, trong đó Nguyễn Thị Oanh và Nguyễn Thị Huyền đóng góp 7 HCV, tiếp tục giúp chúng ta giữ vững vị trí top đầu SEA Games 32.
Cụ thể, đội tuyển điền kinh Việt Nam giành tổng cộng 12 HCV, 20 HCB và 8 HCĐ, xếp thứ 2 trong môn này sau Thái Lan (16 HCV, 8 HCB và 5 HCĐ). Trong đội tuyển điền kinh Việt Nam, có những VĐV cực kỳ xuất sắc, có thể nói là xuất sắc hàng đầu SEA Games năm nay.
Trong số đó, Nguyễn Thị Oanh có tổng cộng 4 HCV ở SEA Games 32 (1.500m, 5.000m, 10.000m và 3.000m chạy vượt chướng ngại vật), là VĐV Việt Nam giành nhiều HCV nhất ở môn điền kinh tại một kỳ SEA Games.
Đặc biệt kỳ tích giành 2 HCV liên tiếp ở 2 nội dung thi đấu chỉ cách nhau 20 phút, gồm chạy 1.500m và chạy 3.000m vượt chướng ngại vật nữ, là kỳ tích xưa nay hiếm trong môn thể thao nữ hoàng.
Những tranh cãi xuất hiện về chuyện vì sao đội điền kinh Việt Nam đăng ký Nguyễn Thị Oanh thi đấu ở 2 nội dung sát nhau như thế, cũng như tranh cãi vì sao môn điền kinh ở SEA Games không giãn lịch thi đấu 2 nội dung nói trên, để Nguyễn Thị Oanh có thêm thời gian hồi phục.
Về mặt cá nhân, Nguyễn Thị Oanh xứng danh “siêu nhân”, bởi chỉ có nguồn năng lượng vô tận, cùng ý chí thép mới có thể hoàn tất 2 nội dung ấy với khoảng thời gian nghỉ ít ỏi nói trên.
Nguyễn Thị Oanh năm nay 28 tuổi, về lý thuyết vẫn còn có thể dự SEA Games lần tới (năm 2025 tại Thái Lan). Về lý thuyết, làng điền kinh Việt Nam vẫn có khả năng gom HCV ở các nội dung mà Oanh đang thi đấu ít nhất thêm một kỳ SEA Games nữa.
Nhân vật khác rất đáng được nhắc tên, đó là Nguyễn Thị Huyền, cô vẫn rất xuất sắc trên đường chạy, dù đã ở tuổi 30. Ba HCV của Nguyễn Thị Huyền ở nội dung 4x400m tiếp sức hỗn hợp nam nữ, 4x400m nữ và 400m rào nữ.
Nếu như Nguyễn Thị Huyền được sắp ở vị trí tốt hơn ở đường chạy 400m, thay vì được sắp ở làn số 7 (làn thường dành cho các VĐV không tên tuổi hoặc các VĐV trẻ), Nguyễn Thị Huyền cũng đã có 4 HCV điền kinh giống như Nguyễn Thị Oanh tại SEA Games năm nay.
Sự thống trị của Nguyễn Thị Huyền ở các nội dung 400m (cá nhân và tiếp sức) đã kéo dài qua 5 kỳ SEA Games liên tiếp, từ năm 2015 đến nay. Cô cũng đã có cho mình tổng cộng 13 HCV, một kỷ lục ở Đại hội thể thao Đông Nam Á, trong môn điền kinh.
Thành công của Nguyễn Thị Huyền và Nguyễn Thị Oanh cũng là sự thể hiện cho hình ảnh mạnh mẽ của điền kinh Việt Nam ở SEA Games nhiều năm qua.
Về lớp VĐV trẻ hơn, chúng ta có Huỳnh Thị Mỹ Tiên (HCV nội dung 100m rào nữ), Bùi Thị Nguyên (HCB 100m rào nữ), Nguyễn Thị Thu Hà (HCV nội dung 800m nữ), Nguyễn Linh Na (HCV 7 môn phối hợp nữ)…
Họ sẽ là những người tiếp bước các đàn anh, đàn chị giữ vững thế mạnh trong môn thể thao “nữ hoàng” của đoàn Thể thao Việt Nam ở các kỳ SEA Games tới.
Điều đáng tiếc duy nhất đối với đội tuyển điền kinh Việt Nam, ở chỗ chúng ta chưa thể cạnh tranh với Thái Lan ở các nội dung chạy cự ly ngắn của nam. Tại SEA Games 32, điền kinh Việt Nam giành 11 HCV nội dung nữ và chỉ 1 HCV nội dung dành cho nam. Đây cũng là nỗi trăn trở của những người làm điền kinh nước nhà, luôn tìm cách cải thiện điều này ở các kỳ đại hội tới.