3 tháng sau khi đứa con gái nhỏ qua đời, chị Nguyệt Linh quyết định dùng toàn bộ số tiền được bệnh viện trả lại tạm ứng để nấu cơm miễn phí cho bệnh nhi ung thư. Thoắt một cái đã 5 năm, người mẹ vẫn miệt mài đi giúp đỡ những đứa trẻ “trọc đầu” để vơi nỗi nhớ con.
Mẹ thực hiện ước nguyện của con
Trong căn nhà nhỏ ở phường Trường Thọ, TP. Thủ Đức, tiếng nói cười rộn rã khi bếp cơm 0 đồng của chị Nguyệt Linh bắt đầu đỏ lửa. Hơn 5 năm nay, mỗi tuần 3 lần, chị Linh lại nấu 300-400 suất ăn/lần để tặng các bệnh nhân ung thư và người nuôi bệnh tại BV Ung bướu TP.HCM (cơ sở 2).
Phần nấu nướng của bếp cơm 0 đồng đều do một tay chị Linh thực hiện
Loay hoay đảo nồi rau củ thập cẩm lớn, chị Linh cho biết ban đầu thực hiện bếp cơm, chị chỉ nghĩ muốn làm một điều gì đó cho đứa con gái nhỏ không may qua đời vì ung thư. Nhưng rồi khi thực hiện, nhìn thấy những em bé đầu trọc, cô chú lớn tuổi xúc động khi nhận phần thức ăn, chị lại không thể dừng lại công việc ý nghĩa này.
“Ban đầu chị nghĩ làm bếp cơm vì muốn nấu ăn tặng các bé thôi. Một phần cũng vì theo ước nguyện của con gái, chị muốn con chị được vui. Bé chị bệnh từ 3 tháng tuổi, 5 năm chị cùng con sống trong BV Ung bướu, phải nằm gầm giường, nhận cơm từ thiện để đồng hành chữa trị cho con nên chị rất hiểu hoàn cảnh của những người nuôi bệnh.
Nụ cười hạnh phúc của chị Linh khi thấy việc làm của mình đã phần nào đó giúp đỡ được nhiều bệnh nhân ung thư
Lúc bé mất được 3 tháng, chị quyết định mở bếp cơm 0 đồng. Chị nghĩ mình nên làm một điều gì đó cho con gái nên đã dùng hết số tiền tạm ứng của con được trả lại để tặng quà cho các bé bị ung thư và nấu cơm 0 đồng”, chị Linh tâm sự.
Vượt qua nỗi đau mất con, hơn ai hết chị Linh đồng cảm với các bậc cha mẹ đang nuôi con trong bệnh viện. Ung thư là một cuộc chiến lâu dài và đầy khó khăn, những phần cơm từ thiện chính là động lực để rất nhiều bậc cha mẹ có thể đi cùng con chặng đường xa nhất.
Nụ cười của các cô chú, bệnh nhi ung thư khi nhận đồ ăn miễn phí từ bếp cơm 0 đồng của chị Linh
Ban đầu chị Linh nấu 50 phần, rồi dần dần lên 100, 200 và hiện tại khoảng 400 phần/lần. Dù bận rộn với công việc kinh doanh nhưng cả 2 vợ chồng chị Linh đều cố gắng thu xếp, động viên nhau duy trì bếp cơm 0 đồng mỗi tuần 3 lần để giúp đỡ những bệnh nhân ung thư.
“Khi thấy mọi người nhận cơm, chị vui lắm. Rồi mọi người khen cơm ngon, thấy được nụ cười của mọi người là động lực để chị làm tiếp, không còn mệt mỏi gì luôn”, chị Linh vui vẻ nói.
Tham gia phụ bếp cơm 0 đồng được hơn 1 năm, cô Dư (58 tuổi) cho biết rất trân trọng việc làm của chị Linh khi giúp đỡ được nhiều người khó khăn có được một bữa cơm ngon.
Cô Dư (áo hồng) vui vẻ khi được phụ giúp chị Linh thực hiện công việc đầy ý nghĩa
“Những ngày bếp cơm hoạt động là cô nghỉ bán để qua phụ. Làm việc vậy mà nó vui, cô cứ nghĩ lỡ mai mình bệnh thì đâu còn giúp được ai nữa, nên còn sức khỏe thì cô còn làm. Thấy bệnh nhi có bữa ăn cô cũng hạnh phúc lây”, cô Dư nói.
“Ước gì chị có thể lo nhiều hơn cho các bé”
Để có nguồn kinh phí hoạt động bếp cơm, bên cạnh sự hậu thuẫn của chồng, các mạnh thường quân cũng tìm đến bếp cơm của chị Linh để đóng góp, chia sẻ.
Những lần đi phát cơm, thấy được các bậc cha mẹ phải vất vả tìm nhà trọ, nặng gánh về chi phí ăn ở để chạy chữa cho con, hơn 1 tháng trước, chị Linh quyết định thành lập thêm nhà lưu trú 0 đồng để lo được nhiều hơn cho các bé.
Chị Trúc cảm động trước sự giúp đỡ lo ăn ở miễn phí từ chị Linh cho cả 2 mẹ con
Cho đứa con gái nhỏ ăn cơm của chị Linh mang tới, chị Lê Thị Thanh Trúc (quê Bến Tre) xúc động khi trên hành trình chạy chữa cho con gái có sự đồng hành, hỗ trợ ăn ở từ phía chị Linh (tên thường gọi mẹ Như – lấy theo tên đứa con gái đã mất của chị Linh).
“Hai mẹ con chị ở đây cũng được 1 tháng rồi, có mẹ Như hỗ trợ, mừng lắm, chứ lên đây tiền thuốc thang, ở trọ ăn uống nữa không biết xoay xở làm sao”, chị Trúc chia sẻ.
Theo chị Trúc, sau khi phát hiện đứa con gái nhỏ mắc ung thư máu, cuộc sống của gia đình chị rơi vào bế tắc khi chuỗi ngày nằm viện của con gái nhiều hơn ở nhà. Cứ mỗi lần vào thuốc, chọc tủy là đứa con gái nhỏ đau đớn không chịu nổi.
“Ai hỏi thì bé nói bị ung thư máu nhưng bé không hiểu đó là bệnh gì, bé chỉ biết là mỗi lần chọc tủy, sẽ rất đau. Bé nói mẹ xin bác sĩ đừng chọc tủy con nữa, cũng đỡ là con bé còn nhỏ, vài tiếng sau là có thể vui vẻ trở lại. Lúc mới bệnh, bé nói cha mẹ cứu con đi, chừng nào lớn con đi làm nuôi cha mẹ, nghe con nói vậy chị chỉ biết khóc…”, chị Trúc nghẹn lời.
Chị Linh mong sao bản thân có đủ sức khỏe, điều kiện để chăm lo được nhiều hơn cho các bệnh nhi ung thư…
Dù điều kiện gia đình khó khăn nhưng chị Trúc chưa bao giờ nghĩ sẽ buông tay con. Từ khi được ở nhà lưu trú của chị Linh, được sự giúp đỡ, sẻ chia, niềm tin vào hành trình chữa bệnh cho con gái của chị Trúc lớn hơn bao giờ hết.
Chia sẻ về ngôi nhà lưu trú 0 đồng, chị Linh cho biết với 21 phòng được ngăn để làm chỗ ở cho gia đình bệnh nhi, chị mong một phần nào đó có thể hỗ trợ, tạo động lực cho cha mẹ các bé đi chặng đường dài nhất, cùng con chiến đấu với ung thư.
“Có nhiều bé bệnh giống bệnh con của chị trước đây, chị lại nhớ con nhiều hơn nữa mà không dám khóc trước mặt các con. Bệnh mới hiện tại rất nhiều, ước gì chị có thể lo nhiều hơn cho các bé, chị còn sức khỏe thì chị tiếp tục…”, chị Linh tâm sự.
Có lẽ với chị Linh, niềm hạnh phúc lớn nhất mà chị có được là nhìn thấy những nụ cười, hay chỉ là cái gật đầu cảm ơn từ những bệnh nhân ung thư trên chặng hành trình chữa bệnh đầy vất vả… Mong rằng bếp cơm, nhà lưu trú 0 đồng sẽ mãi duy trì để những số phận bất hạnh có thêm sự sẻ chia, tiếp tục chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác.