Số tiền lớn từ 2 tấm vé số độc đắc những tưởng giúp đời ông Đỗ Hoàng Toàn sang trang mới, nào ngờ chính nó khiến ông mất đi cánh tay rồi chìm sâu vào bế tắc…
Nhắc đến ông Đỗ Hoàng Toàn (67 tuổi), người dân ở phường Chánh Nghĩa, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương, đã quen thuộc với hình ảnh người đàn ông cụt tay, sáng sớm chạy bộ chục cây số rồi về nhà ngồi thiền dưới nắng. Căn nhà tạm bợ trong con hẻm đường Bàu Bàng là nơi ông Toàn sinh sống cùng gia đình nhỏ của mình.
2 lần trúng số độc đắc
Từ lúc trúng vé số, cuộc đời ông Toàn bất ngờ rẽ sang một hướng mới đầy ảm đạm.
Hớp ngụm trà, ông Toàn nhìn vào bức ảnh cả gia đình chụp chung rồi trầm ngâm. Sinh ra trong một gia đình lao động nghèo có đến 9 anh chị em, học hết cấp 1 thì ông Toàn nghỉ học, ở nhà phụ cha mẹ bán hàng. Cả nhà phụ thuộc vào quầy thuốc lá, bán báo và vé số để mưu sinh. Trong lúc giữ lại tấm vé số để cầu may, cuộc đời ông Toàn đã bất ngờ rẽ sang hướng khác khi ông trúng giải độc đắc cộng thêm 2 giải khuyến khích.
“3 triệu lúc đó lớn lắm, có mấy ngàn bạc là mua được một lượng vàng. Tôi nhớ đúng ngày Rằm Trung thu luôn, khi đó tôi mới 15 tuổi, còn nhỏ quá, chỉ biết trúng số là gia đình mình sẽ đỡ khó khăn hơn”, ông Toàn nhớ lại.
Với số tiền 7 triệu đồng có được từ việc trúng độc đắc, ông Toàn lao vào các cuộc vui chơi bè bạn.
Vì chưa đủ tuổi để lãnh tiền nên ông Toàn nhờ cha lãnh hộ, sau khi có tiền, ông bắt đầu lao vào các cuộc vui chơi cùng bạn bè. Mấy tháng sau, may mắn lại một lần nữa mỉm cười với ông khi tờ vé số mang số 40 lại trúng độc đắc, ông được nhận thêm 4 triệu đồng. Với số tiền này, ông có thể mua được vài căn nhà, xe sang, chẳng mấy chốc thay đổi cả cuộc đời.
Nhưng rồi ông chỉ có thể mua được một mảnh đất và căn nhà rộng hơn 50m2, số tiền còn lại ông dùng vào việc ăn chơi cùng bè bạn. Bị rủ rê, ông lao vào các cuộc nhậu nhẹt thâu đêm, bỏ ra số tiền lớn để mua xe phân khối để tìm cảm giác mạnh… Chẳng mấy chốc, tiền bạc vơi dần, ông bắt đầu rơi vào con đường nghiện ngập.
Ông bị mất đi cánh tay trái trong một lần chạy trốn.
“Trước khi trúng số, cuộc sống chật vật lắm, từ lúc có tiền tôi mới theo bạn bè, rồi xảy ra đủ thứ chuyện cả. Tiền thì tôi bao hết cho bạn bè, được tụi nó tâng bốc gọi đại ca, thích lắm. Tôi mới dính vô, ban đầu là thuốc kích thích, sau đến ma túy, rồi không dứt ra được nữa. Lúc đó tôi mới mười mấy tuổi, có biết gì đâu”, ông Toàn kể.
Sau khi chìm vào nghiện ngập, tiền trúng vé số thì không còn, ông Toàn bắt đầu đi trộm cướp để có tiền hút chích. Trong một lần bị bắt và chạy trốn khỏi ngục, cánh tay trái của ông đã không còn. Tới năm 1986, ông Toàn mới thức tỉnh và dừng lại.
Những ký ức đen tối lúc xưa vẫn luôn ám ảnh ông Toàn, nhắc ông phải thay đổi để làm lại cuộc đời.
“Bạn bè nó gục ngã cả rồi. Lúc đó tôi sợ, thằng bạn thân nhất của mình nó cũng phát điên mà chết. Đến đám tang của nó, không một ai muốn vô thắp nhang. Tôi về nhà suy nghĩ rồi quyết tâm vứt bỏ, làm lại cuộc đời.
Khó khăn lắm chứ, tôi tự cai nghiện tại nhà, bao nhiêu cặp mắt nhìn vào mình, đau đớn, vật vã mỗi lần lên cơn vật thuốc, tôi đều cắn răng chịu đựng vì tôi muốn sống một cuộc đời khác”, ông Toàn tâm sự.
Làm việc thiện để đóng góp cho đờiTrải qua khoảng thời gian tồi tệ nhất của cuộc đời, ông Toàn bắt đầu dần tìm lại niềm vui trong cuộc sống, tu chí làm ăn. Ban đầu, ông nhận gánh nước thuê cho các hộ dân gần nhà, dành dụm mãi ông mua được chiếc xe ba gác cũ để đi chở bàn ghế thuê cho bà chủ. Lâu dần, ông tự đứng ra để kinh doanh, lấy công làm lời.
Chiếc xe ba bánh giúp ông Toàn mưu sinh bằng việc chở bàn ghế cho thuê.
Dù biết bản thân mình khiếm khuyết nhưng cũng muốn tìm người bạn đời để tâm sự, năm 1998, ông Toàn mạnh dạn đăng tin lên chương trình “Tìm bạn bốn phương”. Sau nhiều cuộc gặp gỡ, ông và bà Lê Thanh Thúy (quê TPHCM) quyết định nên duyên vợ chồng. Hai đứa con 1 trai, 1 gái cũng là minh chứng cho tình cảm của ông bà.
“Tôi đăng tin cả 2 năm mới tìm gặp được bả. Cô thì bị dị tật sứt môi, cũng vì cả 2 có khiếm khuyết nên mới đồng cảm cho nhau. Giờ tôi chở bàn ghế, chén bát cho thuê. Tuy cuộc sống còn vất vả nhưng tôi hài lòng.
Cuộc sống an nhàn khi ông vừa làm việc, vừa chăm chỉ rèn luyện sức khỏe.
Trước đây tôi nghiện ngập làm xấu, không đóng góp được gì cho ai, còn giờ tôi ý thức được rồi. Ngày Rằm tháng Giêng, tôi tới chùa để làm nước mía ép phát miễn phí cho bà con đi chùa. Nhờ vậy, tôi cũng có niềm vui cho bản thân mình, vật chất thì đâu mãi tồn tại được, giờ còn đó chứ mất lúc nào không biết trước. Nên giờ tôi làm được gì cho đời là tôi làm…”, ông Toàn trải lòng.
Có lẽ với ông Toàn, sau tất cả biến cố của cuộc đời bắt đầu từ 2 tờ vé số trúng độc đắc, điều mà ông mong muốn nhất lúc này là một cuộc sống bình yên. Sáng sớm chở vợ đi làm rồi chạy bộ hàng chục cây số về nhà, tập ngồi thiền, rèn luyện sức khỏe để gạt bỏ nỗi ám ảnh nghiện ngập từ quá khứ, sống một cuộc đời mới thiện lành.
Những ngày sắp tới, ông Toàn mong mình có được sức khỏe tốt để tiếp tục mưu sinh, chăm lo cho gia đình nhỏ. Đồng thời ông sẽ tiếp tục công việc thiện nguyện, phát nước miễn phí cho bà con đi chùa mỗi khi có dịp lễ, Tết tùy vào khả năng kinh tế của mình…