Trước mong muốn xây nhà mới của cha mẹ, cậu em út là KTS đã thiết kế căn biệt thự độc lạ, đủ không gian tiện ích cho 4 thế hệ trong gia đình cùng sum vầy.
Tại ngôi làng thuộc huyện Song Phong, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, có một biệt thự với hình thù khá độc đáo. Đây là ngôi nhà dành cho 4 thế hệ do kiến trúc sư Vương Húc Đàm thiết kế vào năm 2013, khi anh mới 26 tuổi và đang theo học năm thứ hai cao học tại Đại học Tongji.
Năm đó, Vương Húc Đàm về nhà vào dịp Tết Nguyên đán. Trong những ngày gia đình sum họp, bố mẹ anh có chia sẻ về việc muốn xây một căn nhà mới vì căn nhà hiện tại đã cũ kỹ. Cũng từ lúc này, chàng trai 26 tuổi bắt đầu suy nghĩ về điều đó. Anh bắt đầu phác thảo hình dáng căn nhà tặng cho bố mẹ nhưng trong một thời gian dài nó vẫn chỉ nằm trên bản vẽ vì chưa có kinh phí xây dựng.
Cho đến tết nguyên đán năm 2015, Vương Húc Đàm đã đi làm được nửa năm và tích góp được một số tiền tiết kiệm kha khá. Anh quyết đình ngồi lại bàn bạc với anh chị mình và thống nhất cả 3 cùng đóng góp để xây dựng một căn nhà mới cho bố mẹ.
Căn biệt thự này rất độc lạ bởi đây là tổ ấm được KTS Vương Húc Đàm thiết kế và sắp xếp các không gian để phù hợp với một gia đình có 4 thế hệ. Những nét hiện đại và hoài cổ kết hợp với nhau tạo thành một tổng thể vừa hài hòa, vừa lạ mắt rất thu hút người nhìn.
Gia đình của Vương Húc Đàm có 3 anh chị em, trong đó 2 anh chị của anh đều đã có gia đình riêng. Vì thế nên ngôi nhà ngoài không gian dành riêng cho bố mẹ, cũng sẽ có 3 không gian dành riêng cho gia đình nhỏ của 3 anh chị em.
Theo đó, tầng 1 ở vị trí trung tâm, là không gian sinh hoạt của bố mẹ và bà nội. Khu vực này được thiết kế lạ mắt với mái lợp truyền thống, phù hợp với sở thích của đấng sinh thành. Đây cũng là nơi bố mẹ Vương Húc Đàm đón tiếp họ hàng thân thiết.
Chàng KTS sử dụng những viên ngói cổ màu xanh truyền thống ở nông thôn cho mái nhà và mặt tiền. Ở tầng một, Vương Húc Đàm đặc biệt tìm một chiếc bàn dài lớn để cả nhà có thể sum họp, ngồi chung nói chuyện và ăn uống trong những dịp lễ. Điều này sẽ tạo nên sự gắn kết trong gia đình sau một thời gian dài xa cách vì công việc.
Tiếp đó, 3 căn phòng ở trên chính là không gian riêng của 3 anh chị em trong nhà. Mái dốc ở tầng một tượng trưng cho tấm lưng còng của cha mẹ “gánh” 3 đứa con ở bên trên.
Theo truyền thống, sau khi con cái lập gia đình sẽ rời xa bố mẹ và có cuộc sống riêng. Tuy nhiên, Vương Húc Đàm cảm thấy điều này sẽ khiến tình cảm gia đình không còn gắn kết như trước. Vì vậy anh đã thiết kế 3 căn phòng riêng cho mỗi anh chị em trong nhà để vẫn có thể ở bên bố mẹ nhưng vẫn có không gian riêng tư cho mỗi gia đình nhỏ.
Theo đó, căn phòng của gia đình anh trai sẽ ở bên trái, gần với tầng một nơi bố mẹ ở để tiện việc chăm sóc. Phòng của gia đình chị gái sẽ ở bên phải và phòng ở giữa chính là của con út Vương Húc Đàm.
Trong dãy phòng của anh trai, Vương Húc Đàm thiết kế cầu thang một bên cao một bên thấp. Những cành cây gỗ do người bố chặt được dùng để nâng đỡ cầu thang. Dãy phòng này được thiết kế bếp độc lập để tạo không gian riêng cho gia đình nhỏ. Tương tự, Vương Húc Đàm cũng thiết kế một không gian riêng cho gia đình chị gái. Vì người chị lấy chồng xa, thỉnh thoảng mới ghé thăm nhà nên người bà sẽ sử dụng căn phòng này.
Trong dãy phòng riêng của Vương Húc Đàm có một khoảng không ở giữa dành cho khóm trúc trồng ở dưới nhà vươn lên. Lũ chim sẽ bay vào qua khe hở từ cửa sổ. Do đó, anh cũng đã làm sẵn rất nhiều tổ để đàn chim có thể ghé vào nhà anh thường xuyên hơn.
Trước cửa nhà, Vương Húc Đàm làm những chiếc ghế dài bằng gỗ, phía trên có mái che. Vì nhà của anh gần cánh đồng nên dân làng có thể vào nghỉ chân trên những chiếc ghế dài này và trò chuyện cùng bố mẹ. Bên ngoài ngôi nhà không có bức tường hay bậc thềm nào. Lối vào hoàn toàn rộng mở nên mỗi khi anh về nhà đều thấy trẻ con trong làng chạy đang tụ tập vui chơi ở sân nhà mình. Trước nhà là khu vườn rộng 50m2 cho người mẹ trồng trọt. Bao quanh căn nhà là cánh đồng trải dài xanh mướt tạo nên một không gian rất đỗi yên bình.
“Căn biệt thự này rộng 560m2 với tổng chi phí là 860.000 NDT (2,9 tỷ đồng). Mẹ tôi rất vui khi thấy ngôi nhà được xây dựng. Bà ấy thích trồng hoa và cây ăn quả. Đến mùa thu hoạch, số hoa quả thu được đều được gửi đến tôi”, KTS Vương Húc Đàm chia sẻ. Anh cho biết căn biệt thự này được xây dựng cho 4 thế hệ cùng sinh sống, rất tiện lợi. Đây cũng là lý do khiến anh chị em tôi càng muốn trở về thăm nhà nhiều hơn.
Vương Húc Đàm ( người đầu tiên từ phải qua) cùng anh trai ( người thứ 3 từ phải qua)
Đặc biệt, cha anh vốn là một người thợ thủ công cũng đã cùng các con xây dựng nên căn biệt thự đặc biệt này. Ông cảm thấy tự hào vì đây là công trình đầu tiên của con trai ông với tư cách là một kiến trúc sư và ông đã đích thân giúp con trai mình thực hiện nó.
Sau khi ngôi nhà được xây dựng xong, một người dân làng đã đề nghị Vương Húc Đàm thiết kế một căn biệt thự cho gia đình của họ. Ông ấy nói rằng thiết kế của anh đã tôn lên giá trị tình thân trong gia đình và ông ấy cũng muốn thấy điều đó trong ngôi nhà của bản thân.