Bộ GTVT thống nhất việc tăng phí 4 đường cao tốc do VEC quản lý, khai thác theo đề nghị của doanh nghiệp này.

VEC được tăng giá vé tại 4 tuyến cao tốc- Ảnh 1.

Trạm thu phí tuyến cao tốc Cao Bồ trên cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình do VEC quản lý.

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) về việc điều chỉnh mức giá dịch vụ sử dụng các tuyến đường cao tốc do VEC quản lý, khai thác.

Cụ thể, Bộ GTVT thống nhất việc tăng phí tại 4 tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình, Nội Bài – Lào Cai, Đà Nẵng – Quảng Ngãi, TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây do VEC quản lý, khai thác như đề nghị của VEC.

Bộ GTVT yêu cầu VEC có trách nhiệm kiểm tra, rà soát, quyết định mức giá, thời điểm điều chỉnh giá 4 tuyến cao tốc theo thẩm quyền, bảo đảm không vượt quá mức giá tối đa quy định tại Thông tư số 28/2021 của Bộ GTVT và khả năng chi trả của người sử dụng, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

“VEC có trách nhiệm hoàn tất các thủ tục điều chỉnh giá vé theo đúng quy định pháp luật. Kịp thời công khai, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để tạo sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp”, Bộ GTVT yêu cầu.

Trước đó, trong văn bản đề xuất gửi Bộ GTVT, VEC cho biết theo phương án tài chính hòa chung dòng tiền 5 dự án đường cao tốc do VEC làm chủ đầu tư, lộ trình tăng phí là định kỳ 3 năm tăng 1 lần, mỗi lần tăng 12%.

Tuy nhiên, các dự án đường cao tốc của VEC chưa được tăng phí từ khi đưa vào khai thác. Ngược lại có thời điểm còn giảm phí để hỗ trợ doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ.

Từ năm 2024, chi phí trả nợ vay làm đường của VEC sẽ tăng liên tục trong khi các đường cao tốc đã đến thời hạn trung tu, đại tu. Nếu vẫn giữ nguyên mức phí sẽ ảnh hưởng phương án tài chính các dự án.

Do vậy, VEC đề nghị được tăng phí 4 đường cao tốc: cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình và Đà Nẵng – Quảng Ngãi tăng từ 1.500 đồng/km lên 1.680 đồng/CPU (đơn vị xe con quy đổi)/km (tăng 12%).

Cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây tăng từ 2.000 đồng/CPU/km lên 2.100 đồng/CPU/km (tăng 5%, bằng giá tối đa do Bộ Giao thông vận tải quy định).

Với cao tốc Nội Bài – Lào Cai, đoạn Nội Bài – Yên Bái (4 làn xe đầy đủ, tốc độ 100km/h) tăng từ 1.500 đồng/CPU/km lên 1.680 đồng/CPU/km (tăng 12%); đoạn Yên Bái – Lào Cai (chủ yếu 2 làn xe, tốc độ 80km/h) từ 1.000 đồng/CPU/km lên 1.120 đồng/CPU/km (tăng 12%).

41 dự án BOT đã được tăng phí
Trước đó, Bộ GTVT đã chấp thuận tăng phí tại 41 dự án BOT giao thông từ ngày 29/12/2023.

Với các dự án BOT thu phí lượt, phần lớn tăng từ 11% đến 18% theo các nhóm xe. Tương ứng với mức tăng phổ biến (đã bao gồm 10% VAT) từ 35.000 đồng lên 41.000 đồng với xe nhóm 1, từ 50.000 đồng lên 59.000 đồng với xe nhóm 2, từ 75.000 đồng lên 87.000 đồng với xe nhóm 3, từ 120.000 đồng lên 140.000 đồng với xe nhóm 4 và từ 180.000 đồng lên 200.000 đồng với xe nhóm 5.

Hầu hết các dự án BOT thu vé lượt này đều áp dụng mức tăng kịch mức tối đa với xe nhóm 3, nhóm 4 và nhóm 5. Còn xe nhóm 1 và nhóm 2 mức phí tăng lên cách mức tối đa 11.000 đồng.

Với dự án đường cao tốc thu phí theo km, cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ (Hà Nội) mức tăng phí bình quân 18%. Còn đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng mức phí gần 5% đến gần 20% theo các nhóm xe.