Mới đây, Sở GTVT Hà Nội đã bác tin đồn tuyến buýt nhanh BRT 01 dừng hoạt động và lý giải về việc tháo dỡ biển báo.

Tin đồn trên xuất hiện sau khi một tài khoản trên mạng xã hội đăng tải hình ảnh công nhân tiến hành tháo dỡ biển báo “Làn đường dành riêng cho xe buýt” trên tuyến buýt nhanh BRT.

Liên quan đến vấn đề này, một lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, Sở đang thực hiện kế hoạch sơn kẻ, bổ sung biển báo… trên tuyến buýt trên.

“Biển báo cũ được lắp đặt khi triển khai dự án, hiện Sở đã tiến hành thay thế biển theo quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia mới nhất về báo hiệu đường bộ”, lãnh đạo Sở thông tin.

Ngày 27/12, PV đã có buổi ghi nhận thực tế về những đổi mới trên tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã – Yên Nghĩa.

Theo đó, những biển báo “Làn đường dành riêng cho xe buýt” trên tuyến buýt nhanh BRT đã được tháo dỡ và thay thế biển theo quy chuẩn Quốc gia được thực hiện đồng bộ.

Tuyến xe buýt BRT nghìn tỷ đầu tiên ở Việt Nam: Bất ngờ "khoác áo mới" trước tin đồn bị dừng - Ảnh 1.

Các biển báo làn đường dành riêng cho xe buýt cũ đã được dỡ bỏ để thay thế biển theo quy chuẩn.

So với biển báo chỉ dẫn cũ, biển mới có thêm dòng chữ “BRT” trên biển chính, còn biển phụ thay đổi dòng chữ thuyết minh từ “Làn dành riêng BRT” thành “Làn xe buýt nhanh” kèm dòng phiên dịch tiếng anh “Bus Rapid Transit (BRT)” phía dưới.

Tuyến xe buýt BRT nghìn tỷ đầu tiên ở Việt Nam: Bất ngờ "khoác áo mới" trước tin đồn bị dừng - Ảnh 2.

Biển báo hiện nay có nhiều thay đổi so với biển báo cũ

Tuyến xe buýt BRT nghìn tỷ đầu tiên ở Việt Nam: Bất ngờ "khoác áo mới" trước tin đồn bị dừng - Ảnh 3.

Rào chắn phân làn cạnh bến chờ cũng được thay mới.

Tuyến xe buýt BRT nghìn tỷ đầu tiên ở Việt Nam: Bất ngờ "khoác áo mới" trước tin đồn bị dừng - Ảnh 4.

Bên cạnh những điều chỉnh về hạ tầng, việc vận hành bán vé tại các nhà chờ tuyến xe buýt nhanh BRT cũng có nhiều thay đổi.

Được biết, tổng mức đầu tư dự án là hơn 8 tỉ đồng. Hạng mục biển báo hiện đã hoàn thành, còn các hạng mục khác dự kiến hoàn thành trước ngày 31/12.

Theo cô Nguyễn Thị Minh (chủ cửa hàng kinh doanh trên phố Nguyễn Thái Học) cho biết: “Hàng ngày tôi đều đi 2 tuyến xe buýt từ nhà tới cửa hàng, trong đó có 1 tuyến là BRT. Với tôi, BRT khá tiện ích. Mặc dù giờ cao điểm hay khi tan làm thì hơi đông nhưng cơ bản là văn minh, thoải mái”.

“Trước đây, đi xe buýt BRT là dùng vé, nhưng gần đây được thay bằng đồng xu. Tôi thì quen rồi nhưng nhiều người vẫn còn bỡ ngỡ, đặc biệt là các cụ cao tuổi. Đồng xu được dùng để quét qua hệ thống cửa tại các bến chờ. Khi đi vào thì quẹt nhưng khi ra thì phải thả đồng xu vào máy. Có những trường hợp bị mất đồng xu nên cũng loay hoay mãi mà không ra được khỏi nhà chờ” – cô Minh cho biết thêm.

Tuyến xe buýt BRT nghìn tỷ đầu tiên ở Việt Nam: Bất ngờ "khoác áo mới" trước tin đồn bị dừng - Ảnh 5.

Vé xe buýt đã được thay bằng đồng xu.

Trước đó Sở GTVT Hà Nội cho hay, theo quy hoạch hệ thống xe buýt nhanh BRT trên địa bàn Hà Nội từ năm 2011 đến 2030 tầm nhìn 2050 sẽ có 11 tuyến, chiều dài hoạt động 316km. Đến nay, sau 12 năm thực hiện, thành phố đã thực hiện được 1 tuyến là tuyến BRT số 01 lộ trình Kim Mã – Hà Đông với 14km, đạt khoảng 4,4% nhu cầu.

Với định hướng phát triển buýt BRT, Sở GTVT Hà Nội cho rằng, mạng lưới vận tải hành khách công cộng gồm đường sắt đô thị và xe buýt trong đó có buýt BRT vẫn được xác định là trụ cột.

Tuyến xe buýt BRT nghìn tỷ đầu tiên ở Việt Nam: Bất ngờ "khoác áo mới" trước tin đồn bị dừng - Ảnh 6.

Tương lai, hệ thống phương tiện xe buýt trong đó có buýt BRT vẫn được xác định là trụ cột trong mạng lưới vận tải hành khách công cộng.

Mới đây, theo Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 mà UBND Hà Nội công bố để lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và đại diện cộng đồng dân cư, UBND TP Hà Nội có phương án làm thêm 6 tuyến đường sắt đô thị, trong đó có một tuyến sẽ thay thế buýt nhanh BRT qua trục đường Lê Văn Lương (tuyến số 01 BRT Kim Mã – Hà Đông) nhằm đạt được mục tiêu phục vụ 40 – 60% nhu cầu đi lại của người dân, cùng với 10 tuyến đã có quy hoạch và đang thực hiện.

Tuyến xe buýt nhanh BRT số 01 Kim Mã – Hà Đông được TP Hà Nội đưa vào sử dụng từ tháng 12/2016 với tổng mức đầu tư trên 55 triệu USD (khoảng 1.100 tỉ đồng). Đây là dự án BRT đầu tiên ở Việt Nam được đưa vào hoạt động.

Dự án xây dựng làn đường dành riêng rộng 2,5 mét ở bên trái sát dải phân cách giữa cho xe buýt hoạt động (buýt thường dừng đón, trả khách ở làn phải sát vỉa hè). Tuyến có chiều dài 14km, sử dụng 55 xe buýt loại 80 chỗ với giá 5,03 tỉ đồng/xe.

Dự án được thực hiện bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới với mục tiêu cải thiện tình trạng ùn tắc, ô nhiễm; làm nền tảng phát triển hạ tầng giao thông công cộng; thúc đẩy người dân chuyển từ xe cá nhân sang phương tiện công cộng…