Luật giao thông đường bộ nêu rõ “không được để phương tiện ở lòng đường, hè phố trái quy định”. Tuy vậy, thế nào là để xe trên hè phố trái quy định thì không nhiều tài xế nắm được.
Nhiều người cho rằng, với những nơi có vỉa hè rộng, không cản trở đến giao thông cũng như việc đi lại của người dân thì hoàn toàn có thể dừng đỗ xe ô tô mà không bị phạt. Vậy, suy nghĩ trên liệu có đúng hay không?
Về dừng đỗ xe, Điều 18 Luật Giao thông đường bộ hiện hành định nghĩa:
– Dừng xe là trạng thái đứng yên tạm thời của phương tiện giao thông trong một khoảng thời gian cần thiết đủ để cho người lên, xuống phương tiện, xếp dỡ hàng hóa hoặc thực hiện công việc khác.
– Đỗ xe là trạng thái đứng yên của phương tiện giao thông không giới hạn thời gian.
Tại khoản 4, Điều 18 và khoản 2, Điều 19 Luật Giao thông đường bộ cũng quy định, người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí sau đây:
– Bên trái đường một chiều;
– Trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất;
– Trên cầu, gầm cầu vượt;
– Song song với một xe khác đang dừng, đỗ;
– Nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5 mét tính từ mép đường giao nhau;
– Nơi dừng của xe buýt;
– Trước cổng và trong phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức;
– Tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe;
– Trong phạm vi an toàn của đường sắt;
– Che khuất biển báo hiệu đường bộ;
– Trên đường xe điện, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước;
– Không được để phương tiện giao thông ở lòng đường, hè phố trái quy định.
Như vậy, việc dừng đỗ xe ô tô phải tuân theo Điều 18, 19 Luật Giao thông đường bộ cũng như các quy định về giao thông và hạ tầng xây dựng khác.
Cũng theo quy định tại Điều 36 Luật Giao thông đường bộ 2008, lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông; trường hợp đặc biệt, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông.
Còn theo khoản 9, Mục IV, Thông tư số 16/2009/TT-BXD sửa đổi, bổ sung Thông tư số 04/2008/TT-BXD của Bộ Xây dựng, việc cho phép người dân để xe trên hè phố cần phải tránh những vấn đề ách tắc, cản trở người dân qua lại, lưu thông trên vỉa hè, phải đảm bảo bề rộng tối thiểu còn lại dành cho người đi bộ là 1,5m và phải sắp xếp gọn gàng, đảm bảo mỹ quan đô thị….
Ngoài ra, Quy chuẩn quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT về báo hiệu đường bộ có biển báo I.408a với nội dung “Nơi được đỗ xe một phần trên hè phố”. Đây là biển chỉ dẫn cho phép đỗ một phần (khoảng 1/2) thân xe ô tô trên hè phố.
Từ các căn cứ ở trên, các chuyên gia pháp lý tổng kết rằng, người điều khiển ô tô vẫn được phép để xe trên vỉa hè trong 2 trường hợp cụ thể sau:
– Được đỗ 1/2 xe (kiểu gác 2 bánh xe bên phải) trên vỉa hè ở nơi có biển I.408a
– Đỗ xe trên vỉa hè tại những khu vực được UBND cấp tỉnh cho phép. Đồng thời việc đỗ xe không làm cản trở người dân qua lại (người đi bộ, di chuyển vào nhà), đảm bảo bề rộng tối thiểu dành lại là 1,5m,… và tuân thủ theo các quy định về dừng đỗ xe của Luật Giao thông đường bộ.
Trường hợp dừng đỗ ô tô trái quy định trên vỉa hè, người điều khiển phương tiện có thể bị phạt theo Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được chỉnh sửa, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
Cụ thể, mức phạt đỗ xe ô tô trên vỉa hè trái quy định hoặc đỗ xe ở nơi có biển “Cấm đỗ xe” bị phạt từ 800.000 – 1 triệu đồng. Trong trường hợp người điều khiển dừng, đỗ xe trái quy định gây ùn tắc giao thông thì sẽ chịu mức phạt từ 1-2 triệu đồng.
Riêng với hành vi “điều khiển xe ô tô trên hè phố, trừ trường hợp đi qua vỉa hè để vào trong nhà”, mức phạt sẽ lên tới 3-5 triệu; đồng thời bị tước GPLX 1-3 tháng.