Dù trên đoạn đường không có biển cấm vượt nhưng tại một số vị trí hoặc tình huống cụ thể, người điều khiển phương tiện cũng không được phép vượt các xe khác.
Các trường hợp không được vượt xe
Theo khoản 5, Điều 14 Luật Giao thông đường bộ, không được vượt xe khi ở trong một trong các trường hợp sau đây:
Không được vượt trên cầu hẹp có một làn xe;
Không được vượt đường vòng, đầu dốc và các vị trí có tầm nhìn hạn chế;
Không được vượt nơi đường giao nhau, đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt;
Không được vượt khi điều kiện thời tiết hoặc đường không bảo đảm an toàn cho việc vượt;
Không được vượt xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ.
Không được vượt khi không bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này gồm 3 trường hợp: Xe xin vượt chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước; không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt; xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải.
Nguyên tắc vượt xe trên đường
Về nguyên tắc, khi vượt xe, các phương tiện đều phải vượt về bên trái (chỉ một số trường hợp mới được vượt về bên phải quy định tại khoản 4, điều 14 Luật Giao thông đường bộ là: Khi xe phía trước có tín hiệu rẽ trái hoặc đang rẽ trái; khi xe điện đang chạy giữa đường; khi xe chuyên dùng đang làm việc trên đường mà không thể vượt bên trái được). Đồng thời phải đảm bảo các điều kiện sau:
Xe xin vượt phải có báo hiệu bằng đèn hoặc còi; trong đô thị và khu đông dân cư từ 22 giờ đến 5 giờ chỉ được báo hiệu xin vượt bằng đèn.
Xe xin vượt chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải.
Khi có xe xin vượt, nếu đủ điều kiện an toàn, người điều khiển phương tiện phía trước phải giảm tốc độ, đi sát về bên phải của phần đường xe chạy cho đến khi xe sau đã vượt qua, không được gây trở ngại đối với xe xin vượt.