Theo luật sư, xe biển xanh chỉ được ưu tiên nếu đang đi làm nhiệm vụ và có lắp, phát đầy đủ đèn, còi, cờ ưu tiên theo luật định. Nếu không, tài xế vi phạm luật giao thông vẫn có thể bị xử phạt.

Ngày 19/12, mạng xã hội lan truyền clip ghi lại cảnh xe máy chặn đầu ô tô biển xanh tại Hà Nội. Theo đó, chiếc Toyota Land Cruiser biển 80A di chuyển ở khu vực quận Ba Đình, phát tín hiệu còi và đèn nháy, báo hiệu đang làm nhiệm vụ, đi vào phần đường ngược chiều thì bị một tài xế xe máy chặn đầu.

Người lái xe máy sau đó rời xe, tiến đến ghế lái ô tô để nói chuyện rồi dắt xe, ép ô tô biển 80A phải lùi lại về làn đường của mình. Cơ quan chức năng đã tiếp nhận thông tin và sẽ làm việc với các bên liên quan để làm rõ vụ việc.

Vấn đề pháp lý từ việc xe máy chặn đầu ô tô biển xanh đi ngược chiều - 1Xe máy chặn đầu ô tô biển 80A (Ảnh: Chụp màn hình).

 

Tranh cãi quanh việc chặn đầu xe biển xanh

Sự việc trên thu hút sự quan tâm của nhiều người trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông. “Ai đúng, ai sai?” là chủ đề được bàn tán, tranh luận sôi nổi với muôn vàn ý kiến trái chiều.

Bình luận dưới bài viết Ô tô biển xanh 80A bị xe máy chặn đầu trên phố Hà Nội , độc giả Ngô Đức viết: “Anh hùng rơm, đến lúc bị gọi lên nộp phạt lại xin. Xe 80A biển xanh, có đèn, còi ưu tiên chắc chắn là có giấy phép, khi phát tín hiệu thậm chí đi vào đường ngược chiều thì chắc chắn là có nhiệm vụ khẩn cấp”.

Cũng cho rằng lỗi thuộc về tài xế xe máy, độc giả Tran Van Hoa bình luận: “Anh lái xe máy chắc là thi bằng lái xe máy từ rất lâu rồi nên quên luật giao thông rồi”.

“Rõ ràng người đi xe máy sai hoàn toàn vì xe công vụ được quyền ưu tiên khi đi làm nhiệm vụ”, anh Hiep Tran Van tiếp lời.

Trong khi đó, người dùng Minh Nguyen Quang lại đặt câu hỏi về việc tại sao xe biển xanh phải nhượng bộ nếu không làm sai: “Nếu xe biển xanh đúng, sao phải lùi? Sao không gọi điện cho bốt trực gần đó theo đường dây nóng?”.

Còn người dùng có nickname Mnio cho rằng cần làm rõ xe biển xanh có phải thực sự đang đi làm nhiệm vụ hay không: “Các xe biển xanh thường chạy rất ẩu, hay chèn ép các phương tiện khác. Phải kiểm tra xe biển xanh này có đúng đang đi làm nhiệm vụ không”.

“Trong kì họp Quốc hội vừa rồi, Bộ trưởng Công an có nói rằng: “Luật chỉ có một, xe ưu tiên cũng phải dừng đèn đỏ”. Trường hợp trên không biết có phải xe ưu tiên hay không nhưng đi ngược chiều tại một đoạn đường có tình hình giao thông đông đúc như vậy là không ổn chút nào”, độc giả Trung Nguyen bình luận.

Còn anh Hoàng Nam nêu quan điểm: “Nếu xe biển xanh đã hú còi, nháy đèn từ trước đó rồi mới vào làn xe máy thì người ta đúng. Còn nếu vào trong làn xe máy rồi mới bật còi, đèn thì sai”.

“Trường hợp này xe biển xanh sai vì họ không phải là xe đi làm nhiệm vụ nên không được quyền ưu tiên các bác nhé. Còi và đèn có thể lắp láo được nhưng các bác để ý trong luật là khi đi làm nhiệm vụ phải có cờ cắm đầu xe mới là xe đi làm nhiệm vụ nhé. Còn không là đi láo vì còi và đèn thì dọa ma chứ để có cờ cắm đầu xe không đơn giản ạ”, anh Phuc Nguyen Huu đánh giá.

Pháp luật quy định ra sao?

Giải đáp về những tranh cãi nêu trên, luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật Pháp trị, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo Thông tư 24/2023/TT-BCA của Bộ Công an về biển số xe cơ giới, xe biển xanh được xác định là loại xe ô tô, gắn máy thông thường được gắn biển xanh để thực hiện như loại xe chuyên dùng của các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Xe biển xanh gắn biển số có nền màu xanh; chữ, số trên biển có màu trắng.

Còn theo khoản 1 Điều 22 Luật Giao thông đường bộ 2008, những xe thuộc nhóm sau đây sẽ được quyền ưu tiên đi trước khi tham gia giao thông đường bộ: Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ; Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường; Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu; Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật và Đoàn xe tang.

Trừ đoàn xe tang, những xe ưu tiên nêu trên khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.

“Đối chiếu các quy định trên, có thể thấy xe biển xanh chỉ được ưu tiên và được quyền đi ngược chiều nếu đáp ứng đủ các điều kiện bao gồm: xe đang đi làm nhiệm vụ, có tín hiệu còi, đèn ưu tiên và có cờ ưu tiên theo quy định. Không phải tất cả các loại xe biển xanh đều được ưu tiên mà chỉ khi những xe đó đang thực hiện nhiệm vụ, phát tín hiệu xe ưu tiên thì mới được quyền ưu tiên”, ông Lực bình luận.

Cùng ý kiến, luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, theo quy định pháp luật hiện nay, không phải lúc nào các xe biển xanh cũng được hưởng các quyền lợi ưu tiên khi tham gia giao thông. Xe biển xanh chỉ được ưu tiên khi đang thực hiện nhiệm vụ và đang bật các tín hiệu ưu tiên như còi, cờ, đèn theo quy định. Nếu đang không thực hiện nhiệm vụ, phương tiện không được hưởng các quyền ưu tiên, trong đó bao gồm đi ngược chiều.

Nhìn nhận sự việc xảy ra tại Hà Nội, luật sư Hùng đánh giá theo thông tin hiện có, xe ô tô có biển xanh 80A, hú còi, đèn và đi vào làn ngược chiều thì bị xe máy chặn đầu. Trường hợp này, có 2 vấn đề cơ quan chức năng cần làm rõ để xác định bản chất của vấn đề, đó là xe ô tô có thực sự đang đi làm nhiệm vụ hay không và phương tiện này đã trang bị đầy đủ đèn, còi, cờ, bật đầy đủ tín hiệu ưu tiên theo quy định của pháp luật hay chưa.

Trường hợp xe biển xanh đang không đi làm nhiệm vụ và không trang bị đầy đủ thiết bị phát tín hiệu ưu tiên theo quy định của pháp luật, việc di chuyển vào làn đường ngược chiều là hành vi vi phạm hành chính và sẽ bị áp dụng chế tài xử phạt theo quy định của pháp luật.

Ngược lại, trong trường hợp chiếc Land Cruiser thực sự đang đi làm nhiệm vụ, phát đầy đủ tín hiệu ưu tiên theo quy định nhưng người đi xe máy vẫn cố tình chặn đầu, chèn ép, người này sẽ bị xem xét xử phạt do vi phạm quy định tại Luật Giao thông đường bộ 2008 và Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Cụ thể, theo khoản 3 Điều 22 Luật Giao thông đường bộ 2008, người tham gia giao thông khi thấy tín hiệu của xe được quyền ưu tiên thì phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường, không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.

Hành vi không nhường đường hoặc gây cản trở cho xe ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể, đối với ô tô, người vi phạm có thể bị phạt tiền 3-5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 1-3 tháng còn với xe máy, mức phạt là phạt tiền 600.000 đến 1 triệu đồng và tước giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng.