Luật sư Diệp Năng Bình cho biết, theo quy định hiện hành, người dân hoàn toàn có thể ủy quyền cho người khác nộp phạt, lấy xe vi phạm giao thông khi đủ một số điều kiện.

Gửi câu hỏi đến đường dây nóng Báo Giao thông, bạn đọc Nguyễn Trung Hậu (Bắc Giang) cho biết, tháng trước, khi lái xe ô tô xuống Hà Nội đã vi phạm nồng độ cồn, bị giữ xe, tước giấy phép lái xe.

“Xin hỏi, tôi có thể nhờ người quen ở Hà Nội nộp phạt, lấy xe giúp được không? Nếu được thì cần phải chuẩn bị giấy tờ gì?”, bạn Hậu hỏi.

Có được nhờ người khác nộp phạt, lấy xe vi phạm giao thông?- Ảnh 1.

Người dân có thể ủy quyền cho người khác nộp tiền vi phạm giao thông cho mình (ảnh minh họa)

Trả lời nội dung này, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, Điều 138, Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

Nộp phạt vi phạm giao thông, lấy phương tiện bị tạm giữ về là một giao dịch dân sự bình thường, vì vậy, người vi phạm hoàn toàn có thể ủy quyền cho người khác thực hiện thủ tục nộp phạt vi phạm, lấy phương tiện bị tạm giữ.

Luật sư Bình lưu ý, khi làm văn bản ủy quyền phải có dấu xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú hoặc xác nhận của tổ chức hành nghề công chứng. Trong văn bản ủy quyền cần ghi rõ số căn cước công dân của người ủy quyền và người nhận ủy quyền.

Có được nhờ người khác nộp phạt, lấy xe vi phạm giao thông?- Ảnh 2.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật.

Luật sư Diệp Năng Bình cũng cho biết, khi thực hiện thủ tục nộp phạt vi phạm giao thông, lấy phương tiện bị tạm giữ trong trường hợp ủy quyền, người được ủy quyền cần chuẩn bị các giấy tờ sau:

Giấy ủy quyền nộp phạt vi phạm giao thông có dấu xác nhận của chính quyền địa phương nơi bạn cư trú hoặc phải được công chứng theo quy định của pháp luật.

Biên bản xử phạt vi phạm giao thông; Bản sao chứng thực căn cước công dân; Bản chính căn cước công dân của người được ủy quyền.

Cũng theo khoản 1 Điều 20 Nghị định 118/2021/NĐ-CP, cá nhân, tổ chức vi phạm thực hiện việc nộp tiền phạt theo một trong các hình thức sau:

Nộp tiền mặt trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước hoặc tại ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước mở tài khoản được ghi trong quyết định xử phạt.

Chuyển khoản vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia hoặc dịch vụ thanh toán điện tử của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Nộp tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ vào Kho bạc Nhà nước theo quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này hoặc thông qua dịch vụ bưu chính công ích.