Ông chủ của tập đoàn xây dựng nổi tiếng ở Việt Nam vừa công bố giấy chứng nhận quyền tác giả của mẫu đường sắt đô thị trên cao chịu lực bằng cọc bê tông.
Ngày 20/3, Công ty TNHH Hòa Bình (hay còn gọi là Tập đoàn Hòa Bình Group) tổ chức Lễ công bố quyền tác giả đường sắt đô thị trên cao chịu lực bằng cọc bê tông ly tâm V+ và mẫu đường cao tốc chịu lực bằng cọc bê tông ly tâm V+, khánh thành đoạn cao tốc mẫu xây dựng theo công nghệ mới nhất và tiến hành thử nghiệm vận hành tàu dát vàng chạy ở đường sắt trên cao ở khu công nghiệp Tiên Sơn, Bắc Ninh. Chủ tịch của công ty này là ông Nguyễn Hữu Đường, còn có tên gọi khác là Đường “Bia”.
Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả của hai mẫu công trình này vừa được ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Công ty TNHH Hòa Bình công bố. Giấy chứng nhận do Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận vào tháng 12/2023.
Theo ông Đường “bia”, từ tháng 8/2023 đến nay, Công ty TNHH Hòa Bình đã tập trung trong việc khảo sát thiết kế, thi công đường cao tốc trên cọc dự ứng lực và đường sắt đô thị trên cọc dự ứng lực, nhà ở thương mại giá rẻ. Đến đầu tháng 2/2024, tất cả những mô hình thử nghiệm này đã hoàn thành.
Vị đại gia này mong muốn việc công bố những mô hình mẫu về cao tốc cầu cạn và đường sắt đô thị trên cao sẽ góp phần là giảm chi phí về đầu tư các tuyến cao tốc cầu cạn và đường sắt đô thị trên cao trong thời gian tới. Ông nêu ví dụ, thời gian thi công đường sắt đô thị trên cao từ trung tâm Hà Nội đến sân bay Nội Bài thường phải mất tới 10 năm. Tuy nhiên, nếu thi công theo phương án đường sắt đô thị này thì thời gian chỉ còn 12 tháng.
Nghiên cứu của Công ty TNHH Hòa Bình đã được cấp bản quyền tác giả. Ảnh: TP
Theo đại diện Công ty TNHH Hòa Bình, đường mẫu được xây dựng theo phương pháp hiện đại nhất, tiết kiệm nhất. Trong đó, nền đường không đất kiểu tấm cọc được công ty này dử dụng trong dự án là một kết cấu xây nền đường rỗng cứng mới gồm có cọc và tấm. Vì vậy, so với nền đường truyền thống, loại nền đường kết cấu cọc có độ ứng cao và độ lún nhỏ hơn…
Theo báo Tiền phong, có mặt tại lễ khánh thành đường mẫu, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên của Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, đồng thời là Viên trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI), đã đánh giá cao tâm huyết của ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Công ty TNHH Hòa Bình trong việc tự nghiên cứu và sáng tạo ứng dụng công nghệ mới vào xây dựng đường giao thông. Bởi thực tế cách làm đường như hiện nay đang gây ra ô nhiễm rất lớn cho môi trường, thậm chí còn tàn phá thiên nhiên.
Doanh nhân Nguyễn Hữu Đường và các chuyên gia trong và ngoài nước trên tàu dát vàng, ngày 20/3. Ảnh: TP
Đại gia có cơ nghiệp đa lĩnh vực đáng ngưỡng mộ
Ông Nguyễn Hữu Đường (SN 1954) có xuất phát điểm là một cựu chiến binh. Sau khi xuất ngũ vào năm 1979, ông Đường bắt đầu trở về với cuộc sống mưu sinh nhiều khó khăn. Ông bắt đầu tập tành buôn bán nhưng sau đó lại tay trắng đến nỗi phải kiếm sống bằng việc chở thuê bia hơi bằng xích lô. Sau một thời gian tích lũy kinh nghiệm, ông Đường bắt đầu dùng số tiền tích cóp của bản thân để khởi nghiệp.
Ông Nguyễn Hữu Đường từng vất vả mưu sinh trước khi trở thành một “đại gia” nổi tiếng như hiện nay.
Ngày 20/7/1987, tiền thân của Công ty TNHH Hòa Bình là Tổ hợp Hòa Bình được thành lập, với 9 người, trong đó có 7 người là thương binh nặng. Đến đầu năm 1989, tổ hợp này chính thức chuyển sang mô hình nhà máy bia và từ đó ông Nguyễn Hữu Đường có biệt danh là Đường “Bia”. Biệt danh này theo ông đến tận bây giờ.
Năm 1993, tổ hợp này đổi tên thành Công ty TNHH Thương binh nặng Hòa Bình. Đây là dấu mốc đánh dấu sự thành lập của một công ty tư nhân sản xuất bia đầu tiên ở Hà Nội. Sau đó, không chỉ dừng lại ở lĩnh vực kinh doanh bia rượu, nước giải khát, ông chủ của Công ty Hòa Bình còn lấn sân sang các lĩnh vực khác như xây dựng dân dung, xây dựng công nghiệp, kinh doanh nhà, bất động sản…
Nội thất dát vàng bên trong Dolce by Wyndham Hanoi Golden Lake, khách sạn dát vàng nổi tiếng ở Hà Nội. Ảnh: NLĐ
Đặc biệt, kể từ khi dấn thân vào mảng xây dựng và bất động sản, Công ty Hòa Bình đã sở hữu nhiều dự án đình đám ở các tỉnh, thành phố lớn, chẳng hạn như tòa tháp đôi Hòa Bình Somerset, Hòa Bình Green Apartment, tổ hợp căn hộ dát vàng Hòa Bình Green City, tổ hợp Hòa Bình Green Đà Nẵng, khách sạn dát vàng ở Hà Nội…
Ông Đường “Bia” được biết tới là một trong những đại gia nổi tiếng với các công trình dát vàng. Ông từng dát vàng lan can căn hộ, thang máy, thậm chí là mạ vàng cả thiết bị nhà vệ sinh. Tiêu biểu là khách sạn dát vàng ở Hà Nội với tổng mức đầu tư là hơn 100 triệu USD. Công trình này được khai trương vào năm 2020 và gây ấn tượng với 36 căn phòng hạng sang đều được dát vàng.
Ngoài ra, vị đại gia này còn đặt nhiều tâm huyết vào việc xây dựng các con đường cao tốc chất lượng và thân thiện với môi trường.