Đi sai làn đường là một lỗi vi phạm giao thông đường bộ khá phổ biến hiện nay. Vậy người điều khiển phương tiện giao thông đi sai làn đường lúc này sẽ bị xử phạt bao nhiêu? Bài viết dưới đây Luật Minh Khuê sẽ giúp các độc giả giải đáp câu hỏi này:
Theo nguyên tắc chung khi tham gia giao thông đường bộ, người tham gia giao thông sẽ phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành các hệ thống báo hiệu đường bộ. Theo đó, làn đường được hiểu là một phần thuộc đường xe chạy, làn đường sẽ được chia theo chiều dọc và có đủ bề rộng để xe chạy an toàn, một phần đường cho xe chạy có thể có một hay nhiều làn đường. Trên đường sẽ có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ đường, người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép. Khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn. Việc phân làn đường được quy định rõ ràng trong Luật giao thông đường bộ 2008 cũng như các văn bản hướng dẫn khác, do đó việc người tham gia giao thông điều khiển xe sai làn đường quy định thì sẽ bị xử phạt hành chính trong từng trường hợp được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP như sau:

Thế nào là đi sai làn đường?

1. Mức xử phạt đối với ô tô đi sai làn đường

Đối với ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô thì nếu người điều khiển xe không đi đúng phần đường hoặc làn đường theo quy định (làn cùng chiều hoặc làn ngược chiều) thì sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 04 triệu đồng đến 06 triệu đồng. Bên cạnh đó, người điều khiển phương tiện vi phạm còn bị tước bằng lái xe trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng

Trong trường hợp hành vi đi không đúng làn đường mà gây tai nạn giao thông thì người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính với số tiền từ 10 triệu đồng đến 12 triệu đồng. Đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.

2. Mức xử phạt đối với xe máy đi sai làn đường

Đối với xe mô tô, xe gắn máy kể cả xe máy điện thì nếu người điều khiển xe đi không đúng phần đường, làn đường quy định (làn ngược chiều hoặc làn cùng chiều) thì sẽ bị xử phạt hành chính từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.

Trong trường hợp người điều khiển xe đi không đúng làn đường, phần đường mà gây ra tai nạn giao thông từ hành vi đó sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 04 triệu đồng đến 05 triệu đồng, bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.

Như vậy có thể thấy việc người điều khiển phương tiện giao thông đi sai làn đường sẽ tùy từng loại phương tiện sẽ bị xử phạt theo mức khác nhau. Nếu hành vi đi sai làn đường dẫn đến gây tai nạn giao thông nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì vẫn sẽ bị xử phạt hành chính và một số tường hợp sẽ bị tước bằng lái xe. Lỗi đi sai làn đường sẽ có kèm theo hình thức xử phạt bổ sung là tước bằng lái xe, điều này gây khó khăn, cản trở cho người dân trong việc lưu thông đường bộ hàng ngày. Vì vậy người dân cần hết sức lưu ý, chú ý đi đúng làn đường, phần đường dành cho mình để tránh được việc bị xử phạt vi phạm giao thông không đáng có.

3. Xe đạp đi sai làn đường có bị xử phạt không?

Xe đạp là một loại phương tiện giao thông được phép lưu thông trên đường bộ. Vì vậy người điều khiển xe đạp tham gia giao thông cũng sẽ được pháp luật về giao thông điều chỉnh, cũng đồng nghĩa với việc nếu người tham gia giao thông điều khiển xe đạp đi sai làn đường thì đương nhiên vẫn sẽ bị xử phạt như những phương tiện khác vi phạm. Tuy nhiên mức phạt đối với trường hợp xe đạp, xe đạp máy, xe đạp điện thấp hơn mức phạt của những phương tiện khác, cụ thể là phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng.

4. Không có làn đường thì xe cộ cần đi như thế nào cho đúng luật?

Khi không có làn đường, các xe khi tham gia giao thông lúc này sẽ phải chú ý đến vấn đề vượt xe. Theo đó, căn cứ Điều 14 Luật giao thông đường bộ năm 2008 thì khi muốn chuyển hướng, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải nhường quyền đi trước cho người đi bộ, người đi xe đạp đang đi trên phần đường dành riêng cho họ, nhường đường cho các xe đi ngược chiều và chỉ cho xe chuyển hướng khi quan sát thấy không gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác. Trong khu dân cư, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng chỉ được quay đầu xe ở nơi đường giao nhau và nơi có biển báo cho phép quay đầu xe. Không được quay đầu xe ở phần đường dành cho người đi bộ qua đường, trên cầu, đầu cầu, gầm cầu vượt, ngầm, trong hầm đường bộ, đường cao tốc, tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, đường hẹp, đường dốc, đoạn đường cong tầm nhìn bị che khuất.

5. Quá hạn nộp phạt vi phạm giao thông bị xử lý như nào?

Việc thu tiền phạt vi phạm hành chính sẽ phải căn cứ vào quyết định xử phạt vi phạm hành chính của người có thẩm quyền xử phạt. Người nộp phạt có thể nộp phạt trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu tiền phạt trong thời hạn ghi trong quyết định xử phạt. Nếu quá thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức chưa nộp tiền phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0.05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp (Thông tư 153/2013/TT-BTC). Đối với những nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi mà việc đi lại gặp khó khăn thì cá nhân, tổ chức bị xử phạt có thể nộp tiền phạt cho người có thẩm quyền xử phạt. Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm thu tiền phạt tại chỗ và nộp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản Kho bạc Nhà nước trong thời hạn không quá 07 ngày, kể từ ngày thu tiền phạt. Trường hợp xử phạt ngoài giờ hành chính, người có thẩm quyền xử phạt được thu trực tiếp và phải nộp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày thu tiền phạt.

Về việc xác định thời gian như nào là nộp chậm thì trường hợp quyết định xử phạt được giao trực tiếp thì ngày tính tiền nộp chậm thi hành quyết định xử phạt là sau 10 ngày (bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ) kể từ ngày giao quyết định xử phạt theo quy định

Trường hợp quyết định xử phạt được gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm thì ngày tính tiền nộp chậm thi hành quyết định xử phạt là sau 10 ngày (bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ) kể từ ngày quyết định xử phạt được phát hợp lệ theo quy định của Luật bưu chính

Trường hợp tổ chức, cá nhân bị xử phạt không có xác nhận ngày giao nhận quyết định xử phạt, không xuất trình được ngày quyết định xử phạt được phát hợp lệ và không thuộc trường hợp cố tình không nhận quyết định xử phạt thì ngày tính tiền nộp chậm thi hành quyết định xử phạt là sau 12 ngày (bao gồm ngày lễ, ngày nghỉ) kể từ ngày ra quyết định xử phạt. Trường hợp người nộp phạt chứng minh được ngày nhận quyết định xử phạt và việc chứng minh là có cơ sở thì Kho bạc nhà nước hoặc ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu phạt tính tiền nộp chậm thi hành quyết định xử phạt sau 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt mà người nộp phạt đã chứng minh.