Từ 1/7, cải cách chính sách tiền lương, việc trả lương sẽ theo vị trí việc làm, chức vụ, chức danh. Đây là việc khó vì chưa có tiền lệ. Có một thực tế là không ít người đang “nửa mừng nửa lo” với cải cách tiền lương.

anhbaichinh.jpg

Người tiêu dùng canh cánh nỗi lo lương chưa kịp tăng, giá đã “té nước theo mưa”. Ảnh: Quang Vinh.

Công chức, viên chức “nửa mừng nửa lo”

Lo là khi lương mới theo vị trí việc làm thì sẽ cắt bỏ hết phụ cấp trách nhiệm, thâm niên, nên dù có tăng 32% thì thực chất tiền lương nhận được cũng không hơn lương cũ là bao nhiêu.

Theo TS Đinh Duy Hòa – nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ), có thể có những công chức, viên chức băn khoăn các phụ cấp mình đang hưởng nhưng với lần cải cách này có khi lại không được hưởng nữa. Nhưng lương lần này được thiết kế: 70% là lương cơ bản, 30% phụ cấp và 10% thưởng. “Tôi theo dõi các đợt cải cách tiền lương từ trước đến nay, thì thấy không có câu chuyện với cải cách mới mà người đang hưởng lương lại bị thụt đi. Vậy nên theo nguyên tắc thì không đáng lo ngại lắm” – ông Hòa nói.

Về xác định vị trí việc làm, cùng với việc đánh giá năng lực cán bộ, công chức, viên chức và cũng là tiền đề cho cải cách tiền lương, theo ông Hòa, quan trọng vẫn là xác định chuẩn vị trí việc làm. “Thế nhưng hiện nay thì phương pháp này đang thiếu. Chúng ta đang thiết kế mẫu “vị trí việc làm dùng chung”, gây khó cho bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai kế hoạch cụ thể.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, áp dụng bảng lương mới với những người đang làm việc là rất tốt, nhưng sẽ mất ý nghĩa nếu việc sắp xếp vị trí việc làm cảm tính, cả nể, hoặc thiên vị. Cũng chính vì thế, trách nhiệm người đứng đầu trong cơ quan, đơn vị, tổ chức càng phải được nâng cao.

Làm rõ ưu đãi trong lương mới đối với Giáo dục, Y tế

Theo đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn ĐBQH Hà Nội), kể từ khi có thông tin về cải cách chính sách tiền lương, dự thảo bảng lương, cũng như các chính sách thực hiện Nghị quyết số 27 đến nay vẫn chưa có thông tin chính thống. Nhất là với lương, phụ cấp theo lương của viên chức ngành Giáo dục, Y tế.

Cạnh đó, dù biết rằng nâng lương cho đội ngũ y tế và nhà giáo nhằm mục đích nâng cao chất lượng, hiệu quả khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, cử tri băn khoăn khi nâng lương cho đội ngũ nhà giáo và y tế sẽ lấy từ nguồn ngân sách, hay nguồn thu tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập. Nếu lấy từ nguồn thu của các đơn vị ngành Y tế và Giáo dục sẽ là gánh nặng cho chính các đơn vị sự nghiệp công lập này. Hơn hết, sẽ là gánh nặng đối với người học, người bệnh khi tính đúng, tính đủ các chi phí, bao gồm chi phí tăng lương vào chi phí khám chữa bệnh và học phí của người học.

“Điều này dẫn đến việc người bệnh nếu không có bảo hiểm y tế sẽ không dám đến bệnh viện, người học sẽ không đủ tiền để đóng học phí” – ĐBQH Dương Minh Ánh nói và kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan trước khi ban hành các bảng lương chính thức, cần có thông tin để các đối tượng được hưởng lương biết được một cách rõ ràng, chính xác. Cùng đó cần tính toán kỹ lưỡng khi giải quyết bài toán tăng lương với bài toán giao tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, làm sao để chính sách đi vào cuộc sống và tạo được sự đồng thuận của xã hội.

Trước đó, tại phiên họp đầu tháng 5 với Ban soạn thảo, Tổ biên soạn dự án Luật Nhà giáo, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng cần thể chế hóa chủ trương lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống bậc lương hành chính sự nghiệp.

Tuy nhiên, điều đó cụ thể ra sao kể từ ngày 1/7 tới khi thực hiện chính sách lương mới lại chưa rõ ràng.

Tương tự, với ngành Y tế, ưu đãi ra sao cũng lại là vấn đề. Đó là chính sách đãi ngộ trong tổng thể cải cách chính sách tiền lương ra sao. Thời gian cũng không còn nhiều để giải đáp những thắc mắc ấy.

Lương mới của người nghỉ hưu sẽ ra sao?

Một vấn đề nổi lên là việc cải cách tiền lương sẽ làm phát sinh chênh lệch khá lớn về lương hưu, giữa người nghỉ hưu trước và sau ngày 1/7/2024, nếu không thực hiện điều chỉnh cho đối tượng nghỉ hưu trước thời điểm này, khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương.

Trong khi đó, theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, có sự chênh lệch là do với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, từ ngày 1/7 trở đi được hưởng mức tiền lương mới cao hơn mức lương theo hệ số. Như vậy, người có thời gian đóng BHXH theo mức tiền lương sau cải cách càng dài, thì mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần cũng tăng tương ứng, và cao bất thường so với người nghỉ hưu trước ngày 1/7.

Tuy nhiên, theo Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cần làm rõ căn cứ để tính và điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công, và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với mức lương cơ sở, khi thực hiện chính sách cải cách tiền lương.

Trong khi đó, cùng với thời điểm thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7 tới, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đề xuất điều chỉnh mức hưởng lương hưu “cao nhất có thể”, để đảm bảo quyền lợi cho người hưu trí.

Về vấn đề này, BHXH Việt Nam đề xuất mức tăng lương hưu từ ngày 1/7/2024 khoảng 8%. Tuy nhiên, theo Bộ LĐTBXH, cùng với thực hiện cải cách tiền lương của công chức, viên chức, thì mức lương hưu cần tăng tối thiểu đạt 15%, trên tinh thần cân đối hài hòa, không để người hưu trí vẫn gặp phải khó khăn, thiệt thòi sau khi cải cách.

Theo TS Nguyễn Thị Lan Hương – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ LĐTBXH), mỗi phương án đề xuất của các bên đều có cơ sở, song ủng hộ mức đề xuất tăng ít nhất 15%. TS Hương dẫn tính toán của Bộ Nội vụ, tiền lương trung bình của công chức, viên chức khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương sẽ cao hơn khoảng 30% so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương (7,5 triệu đồng/tháng). Vì thế, bà Hương cho rằng nếu lương công chức tăng dự kiến 30% thì lương hưu cần tăng ít nhất thêm 15% là hợp lý.

Cùng đó, cần chia thành các nhóm điều chỉnh lương hưu khác nhau, mục tiêu là đảm bảo cho mọi người đều hưởng lợi từ việc tăng lương này, và không ai bị bỏ lại phía sau.

Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Minh Huân – nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, tâm lý của người về hưu luôn mong muốn có mức tăng cao để giảm bớt khó khăn trong đời sống. Nhưng tăng ở mức bao nhiêu cần tính toán trên nhiều yếu tố và phù hợp với tình hình thực tế. Dựa trên nguyên tắc đóng – hưởng của BHXH, người đóng BHXH càng cao thì sau này tất yếu phải được hưởng mức lương hưu cao. Do đó, với nhóm đối tượng có lương hưu thấp, Nhà nước cần có mức hỗ trợ thêm để cải thiện cuộc sống của người về hưu. Đặc biệt, cần chú ý mức điều chỉnh lương với nhóm về hưu trước năm 1995, khi mức hưởng thấp hơn so với mặt bằng chung. Do đặc thù của chính sách tiền lương giai đoạn trước năm 1995, cùng với các quy định của pháp luật về BHXH tại thời điểm đó, phần lớn người lao động nghỉ hưu, nghỉ việc theo chế độ mất sức lao động với thời gian làm việc ngắn và mức tiền lương trước khi nghỉ việc thấp. Từ đó ảnh hưởng đến mặt bằng chung về mức hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng của nhóm đối tượng này.

Sẽ có 3 mức điều chỉnh lương hưu từ 1/7/2024 cho 3 nhóm đối tượng khi cải cách tiền lương. Nhóm thứ nhất là những người nghỉ hưu thông thường. Mức tăng lương hưu của nhóm này sẽ được tính toán hợp lý giữa khu vực đang làm việc với người nghỉ hưu, hài hòa giữa người cùng chức vụ trước và sau 1/7/2024.

Nhóm thứ hai là những người nghỉ hưu trước ngày 1/7/2024, cần áp dụng mức bù để giảm phần chênh lệch lương giữa người nghỉ hưu trước và sau thời điểm cải cách chính sách tiền lương.

Nhóm thứ ba là những người nghỉ hưu trước năm 1995, theo Bộ LĐTBXH, sẽ có chính sách đặc biệt để đẩy lương hưu lên cao hơn.

Tất cả những điều đó cho thấy cần sớm có những hướng dẫn cụ thể khi mà thời điểm áp dụng lương mới đã đến gần.

Lương chưa tăng nhưng giá một số hàng hóa đã tăng. Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), cần có các giải pháp kìm chế để giá cả không tăng. Việc tăng lương cơ sở từ 1/7 có ý nghĩa lớn. Nhưng nếu tăng lương xong lại tăng giá thì không giải quyết được vấn đề gì, không có ý nghĩa gì. Hàng hóa nào tăng giá trong thời gian trước và sau khi lương tăng thì cần phải đặc biệt lưu tâm quản lý chặt chẽ, để tránh tình trạng “giá chạy theo lương”. Giám sát giá là nhiệm vụ chủ yếu của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) và Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính). Nhưng đồng thời đây cũng là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Các phường, xã, quận, huyện là nơi trực tiếp quản lý hàng hóa đến với người dân ngay trên địa bàn của mình. Theo ông Thịnh, lực lượng quản lý thị trường, quản lý giá đã quản lý giá cả sản xuất đầu vào của các doanh nghiệp lớn. Còn các sản phẩm liên quan đến dân sinh thì chính quyền địa phương các cấp phải quản lý.