Dù có trong tay khối gia sản hàng trăm tỉ đồng, sở hữu nhiều biệt thự, xe sang nhưng với ông Chì (tên thật là Hồ Văn Tâm, sinh năm 1964, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương), được sống trong căn nhà gỗ xưa mới là ước nguyện của cả đời ông.
Căn nhà gỗ có tuổi đời hơn 30 năm này toạ lạc ngay tại trung tâm thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Tính cả giai đoạn chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất nhà ở, san lấp mặt bằng và xây được móng nhà phải mất hàng chục năm trời mới có thể thực hiện được. Được biết, tổng chi phí sau khi tạo dựng lại căn nhà gỗ lúc ấy lên tới hơn 200 cây vàng.
Đổi ngàn mét đất để lấy lại tuổi thơ
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân, nhà lại đông con, cuộc sống khi ấy khốn khó trăm bề, nhưng mọi người sống với nhau vui vẻ, hòa thuận. Chính những điều đó đã hình thành trong ông một ý niệm về cuộc sống, rằng những giá trị gia đình mới là điều cốt lõi và thiêng liêng nhất.
Ông Chì tâm sự: “Hồi xưa căn nhà gỗ của gia đình tôi nó bé xíu thôi, hồi đấy nghèo, thiếu thốn đủ bề, có cái ăn là may mắn lắm rồi, nhưng anh em tôi sống với nhau đông vui lắm. Giờ mỗi người đều có gia đình riêng, mỗi người ở một nơi nên nhiều khi tôi nhớ cái không khí ngày xưa vô cùng”.
Đó cũng là lý do khiến ông Chì quyết tâm tạo dựng lại một căn nhà gỗ mang dáng dấp của căn nhà thời niên thiếu mà ông sống cùng gia đình.
“Bây giờ dù đầu óc mình có nhanh nhạy đến thế nào, cũng khó mà nhớ mãi được về những kỉ niệm ngày xưa. Chính vì thế mà việc phục dựng lại một căn nhà giống với căn nhà ngày xưa tôi ở là điều mà tôi mong mỏi nhất, và quyết tâm phải làm cho bằng được”, ông Chì nói.
Ngay khi nghe tin nhiều hộ gia đình nằm trong khu quy hoạch sắp sửa di dời sang nơi khác và quyết định bán lại căn nhà cũ đang ở, nhận thấy cơ hội đã đến, ông Chì bán mảnh đất rộng 1000m2 của mình lúc đó để có thể mua lại xác những căn nhà gỗ cũ ấy.
Ông Chì đã bỏ ra số tiền lớn để mua và phục dựng căn nhà gỗ cổ đặc biệt này. Ảnh: Anh Tú
Việc chọn lọc ra những khúc gỗ quý, đẹp là cả một quá trình và mất rất nhiều thời gian, đặc biệt là còn phải chạm khắc hoa văn lên đó.
Theo ông Chì, trong số hàng chục căn nhà cũ nát mà ông mua về, chỉ có số ít những khúc gỗ là còn có thể dùng lại được, “nhà này mua về nhưng lại nhặt nhạnh được ít quá thì mình lại mua tiếp nhà khác, cứ vậy tôi mua đến hàng chục căn nhà, mới có thể tạo dựng được nên những căn nhà gỗ như hiện tại”, ông Chì nói.
Nơi đây cũng thường xuyên đón tiếp nhiều người dân hiếu kì đến tham quan. Ảnh: Anh Tú
Để tạo dựng lại được căn nhà như hiện tại, ông đã phải trao đổi với thợ mộc có tay nghề cao ở trong vùng về ý tưởng và mất hơn 1 năm trời mới có thể hoàn thành được. “Thời đó ít thợ nhận làm lắm, thuê ngày cả triệu bạc mà chưa chắc có người làm. Bình thường người ta sẽ thuê thợ mới vào làm nhưng mà thợ mới lại chạm khắc theo nét của miền Trung, nó khác với cái nét nhà ngày xưa của mình, nên tôi thuê mấy người thợ mộc miền Đông làm, thì nó ra cái nét miền Đông Nam Bộ mình”, ông Chì chia sẻ.
Nhiều năm bôn ba kiếm sống, giờ chỉ muốn sống cuộc đời an yên
Căn nhà gỗ không chỉ là nơi gia đình ông kinh doanh, buôn bán mà nó còn mang một ý nghĩa đặc biệt hơn cả, là nơi thờ tự ông bà, tổ tiên và cũng là nơi để ông có thể lui về nghỉ ngơi, chơi đùa cùng con cháu sau nhiều năm vất vả bôn ba kiếm sống của mình.
Ông Chì chia sẻ, lúc mới dựng xong căn nhà, ai nhìn vào cũng khen, công việc kinh doanh, buôn bán của gia đình ông cũng thuận lợi nên ông cảm thấy những gì mình bỏ ra là hoàn toàn xứng đáng. “Lúc có được căn nhà này, tôi thấy cuộc đời mình được như ước nguyện, tôi vui lắm”, ông Chì nói.
Cách căn nhà gỗ này chừng vài ki lô mét là căn biệt thự của ông Chì, tuy nhiên, phần lớn thời gian trong ngày, ông Chì đều xuống căn nhà gỗ để nghỉ ngơi và tiếp đón bạn bè, những người đến tham quan căn nhà của ông. Ông Chì cũng cho biết thêm: “Các con tôi dù đã lớn, có gia đình riêng rồi nhưng vẫn thường xuyên về đây thăm tôi, các cháu cũng hay chơi ở căn nhà gỗ này, nên tôi thấy yên bình lắm”.
Ngoài nhà gỗ, ông Tâm còn sở hữu tác phẩm cây si ôm xe máy cổ độc đáo. Ảnh: Anh Tú
Vì được tạo dựng lại theo nguyên tác căn nhà tuổi thơ của mình nên thỉnh thoảng, ông Chì lại thấy bóng dáng của bố mẹ và các anh em mình ở đó. Trong những bữa cơm gia đình hay những lần ngồi uống nước trong sân vườn, ông Chì lại kể một vài câu chuyện ngày xưa, khi còn sống trong căn nhà gỗ cùng ông bà cho con cháu nghe, nên hầu như ai cũng hiểu cho niềm đam mê và ước muốn của ông.