Sau nhiều năm, hậu thế phải kinh ngạc vì nơi ở của hoàng đế hóa ra lại ẩn chứa nhiều bí mật như vậy.
Như chúng ta đã biết, trong xã hội cổ đại, hoàng đế là người nắm giữ quyền lực lớn nhất trong một nước. Không những vậy, hoàng đế cũng là người sở hữu nhiều của cải, vật phẩm có giá trị. Các thiên tử có cuộc sống khác hoàn toàn so với người bình thường. Vật dụng, nơi ở của nhà vua cũng có sự khác biệt.
Thế nhưng có một thực tế kỳ lạ đó là hoàng đế có nhiều tiền của, quyền lực là thế nhưng lại ở trong căn phòng không hề lớn. Bước vào phòng ngủ của hoàng đế trong Tử Cấm Thành, chúng ta sẽ thấy nơi sinh sống của vị vua này chỉ rộng khoảng 10 mét vuông, không lớn hơn bao nhiêu so với thường dân.
“Long sàng” của nhà vua cũng không rộng hơn giường của thường dân là mấy. Khi hoàng đế ngủ, hai bên còn buông hai lớp rèm. Trên thực tế, không gian phòng ngủ chưa chắc đã được 10 mét vuông.
Một số người cho rằng điều này xuất phát từ thuyết phong thủy cổ xưa . Người ta cho rằng “phòng to người ít là điềm hung”. Hơn nữa, còn có ý kiến cho rằng nếu phòng ngủ quá rộng sẽ càng khó có con.
QUAN NIỆM DÂN GIAN
Có thể nói, hoàng đế không thiếu nhà để ở. Tử Cấm Thành là một trong những công trình đồ sộ. Nhưng phòng ốc ở đây không được xây dựng tùy tiện theo ý muốn. Trên thực tế, số lượng phòng trong Tử Cấm Thành đã bị giới hạn.
Trong dân gian Trung Quốc xưa có một câu nói như thế này: “Kinh đô của các hoàng đế có chín nghìn chín trăm chín mươi chín phòng rưỡi (9999,5 phòng)”. Nhiều người sẽ thắc mắc tại sao có một nửa phòng mà không làm tròn lên 10.000 phòng?
Tương truyền, Thiên Cung là nơi Ngọc hoàng ở có một vạn tương đương với 10.000 ngôi nhà. Hoàng đế tuy cao quý được ví là “thiên tử” những cũng không được vượt qua hệ thống của Thiên cung. Do đó, những ngôi nhà của vua nghiễm nhiên không được vượt quá số lượng nhà của Ngọc hoàng tại Thiên Cung.
Tử Cấm Thành vào mùa đông. Nguồn ảnh: Sohu
Ở Trung Quốc cổ đại, quan niệm về số âm (số chẵn) và số dương (số lẻ) vẫn còn khá phổ biến. Theo các ghi chép còn sót lại, các chi tiết trong Tử Cấm Thành hầu hết là các số dương.
Theo quan niệm này thì 1 là nhỏ nhất trong số dương, 9 là lớn nhất và 5 là trung tâm. Con số 9999,5 phòng tương ứng với “cửu ngũ” hoàn toàn phù hợp với tư tưởng truyền thống. Theo giả thuyết này, rất có thể phòng ngủ của nhà vua là căn phòng lẻ cuối cùng. Do đó, nó có kích thước khá nhỏ.
LÝ THUYẾT ĐIỀU HÒA KHÔNG KHÍ
Để hiểu hơn về thuyết điều hòa không khí này, chúng ta có một ví dụ như sau. Nếu bạn lắp điều hòa trong căn phòng khoảng 10 mét vuông thì nửa giờ sau không khí sẽ được làm mát. Nhờ đó, thời gian hoạt động của máy điều hòa sẽ được rút ngắn lại. Bởi vì không gian nhỏ, năng lượng cần thiết càng ít.
Nhưng khi bạn đặt chiếc điều hòa tương tự trong ngôi nhà rộng 100 mét vuông, thì dù cho tốn rất nhiều thời gian, không khí trong nhà cũng chưa thể được làm mát. Vì nhà càng lớn, càng cần nhiều năng lượng. Dù máy điều hòa đã làm việc hết công suất thì nhiệt độ trong nhà vẫn không thể so được với căn phòng 10 mét vuông kia.
Nhìn lại, con người chúng ta cũng là một cơ thể năng lượng phát ra nhiệt. Khi ngôi nhà càng lớn, cơ thể con người càng tiêu hao nhiều năng lượng hơn. Vì vậy, kích thước của ngôi nhà phải tương xứng với số lượng người ở.
Có nghĩa là, ngôi nhà càng lớn thì càng nên có nhiều người ở. Trái lại, nhà có ít người ở thì nên thu hẹp diện tích lại.
Hình minh họa phòng ngủ của hoàng đế thời xưa. Nguồn ảnh: Sohu
Các chuyên gia ở Tử Cấm Thành giải thích thêm rằng khu vực Bắc Kinh có mùa đông rất khắc nghiệt. Các phòng ngủ nhỏ được thiết kế là để giữ ấm. Bởi vì trong triều đại nhà Minh và nhà Thanh, nhiệt độ mùa đông ở đây thậm chí có thể thấp hơn -10 độ C.
Kỳ thực, hoàng đế dẫu có quyền lực nhưng thân thể cũng không hơn người thường bao nhiêu. Để bảo toàn long thể, kéo dài tuổi thọ, hoàng đế cũng cần tuân theo những quy luật của cuộc sống.
Đây là một phần lý do giải thích cho việc phòng ngủ của hoàng đế trong Tử Cấm Thành lại nhỏ như vậy.